10:55 19/03/2010

“Giải mã” cổ phiếu SQC

Gần đây, chưa có cổ phiếu nào niêm yết trong một thời gian ngắn mà nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhà đầu tư như cổ phiếu SQC

Ở vị trí thứ hai của sàn Hà Nội về mức vốn hóa, sự biến động giá cổ phiếu SQC trực tiếp tác động đến chỉ số HNX.
Ở vị trí thứ hai của sàn Hà Nội về mức vốn hóa, sự biến động giá cổ phiếu SQC trực tiếp tác động đến chỉ số HNX.
Gần đây, chưa có cổ phiếu nào niêm yết trong một thời gian ngắn mà nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhà đầu tư như cổ phiếu của Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Qui Nhơn (SQC - HNX).

Sự kết hợp của hai yếu tố thanh khoản thấp và giá trị vốn hóa thị trường cao đã đẩy SQC vào tình trạng tác động mạnh lên chỉ số sàn Hà Nội. Điều gì đang là “ẩn số” đằng sau cổ phiếu SQC?

100 cổ phiếu làm chỉ số HNX xanh hoặc đỏ

Chào sàn ngày 17/12/2009, SQC tăng 13 phiên liền và hầu hết mức tăng đều trên 6%/phiên (so với biên độ dao động cộng trừ 7% của HNX). Trong những ngày giao dịch đầu tiên, thanh khoản của SQC ở mức trung bình, phần lớn trên 100.000 cổ phiếu/ngày.

Ngày 31/12/2009 thanh khoản SQC lên cao nhất với 489.400 cổ phiếu được chuyển nhượng ở mức giá bình quân 149.600 đồng/cổ phiếu. Sau khi lên đến đỉnh vào ngày 5/1/2010 với giá 159.800 đồng/cổ phiếu, SQC bắt đầu giảm giá một cách nhỏ giọt khoảng 1%/phiên, nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức khá trên dưới 200.000 cổ phiếu/phiên.

Tuy nhiên, từ ngày 11/1/2010 thanh khoản cổ phiếu này bắt đầu giảm nhanh, từ mức vài chục ngàn xuống 1.000-5.000 cổ phiếu/phiên và từ cuối tháng 1/2010 đến nay, thanh khoản xoay quanh 1.000 cổ phiếu/phiên. Có ngày lượng khớp chỉ có 100 cổ phiếu, mức tối thiểu cho một lệnh giao dịch trên sàn HNX.

SQC có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Với giá đóng cửa ngày 12/3/2010 là 138.100 đồng/cổ phiếu, công ty có mức vốn hóa 13.810 tỉ đồng, tương đương 723 triệu đô la Mỹ, bằng 54,7% giá trị vốn hóa của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và lọt vào tốp 20 doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa lớn nhất của cả hai sàn.

Ở vị trí thứ hai của sàn Hà Nội về mức vốn hóa, sự biến động giá cổ phiếu SQC trực tiếp tác động đến chỉ số HNX. Nếu cổ phiếu SQC tăng, chỉ số HNX tăng và ngược lại. Chuyện đó chẳng có gì đáng nói nếu giá trị giao dịch của SQC ở mức hàng chục tỉ đồng/phiên. Đằng này nhiều phiên liền, mỗi lệnh khớp của SQC chỉ có 100 cổ phiếu. Nên 100 cổ phiếu SQC tăng giá, chỉ số HNX lên điểm. Cũng 100 cổ phiếu ấy giảm giá, chỉ số HNX chuyển thành màu đỏ!

Gần 92% cổ phiếu “bất động”

Sở dĩ cổ phiếu của SQC có thanh khoản kém là do một tỷ lệ quá lớn cổ phần không được giao dịch. Theo bản cáo bạch niêm yết, trang 73-74, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc, kế toán trưởng và cổ đông pháp nhân liên quan nắm giữ tổng cộng 91,97 triệu cổ phiếu, tức 91,97% cổ phần SQC. Toàn bộ số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng sáu tháng kể từ ngày niêm yết.

Về mặt luật pháp, SQC đáp ứng đầy đủ điều kiện niêm yết. Trước đây, theo quy định một công ty muốn niêm yết phải có tối thiểu 20% cổ phần do cổ đông công chúng bên ngoài nắm giữ. Quy định như vậy là để hạn chế tỷ lệ cổ phiếu “bất động” không thể giao dịch. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán sau này đã sửa đổi, bỏ hai chữ “bên ngoài” và trong 20% cổ phần do công chúng nắm giữ hiện nay bao gồm cả cổ phần do người lao động sở hữu. Ở SQC, tỷ lệ cổ phần do người lao động và cổ đông bên ngoài nắm giữ chỉ có 8%, quả là quá thấp.

Từ trường hợp SQC, có lẽ cơ quan quản lý và soạn thảo Luật Chứng khoán cần phải khôi phục lại hai chữ “bên ngoài” của quy định nói trên. Hai chữ “bên ngoài” đó có thể làm tăng, giảm rất nhiều tính đại chúng của một công ty. Nếu phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều có tỷ lệ cổ phiếu “bất động” cao như SQC, thử hỏi làm sao thanh khoản của thị trường có thể cải thiện và phát triển?

Về phía doanh nghiệp, SQC biết rõ cơ cấu cổ đông của mình, nhưng vì sao công ty vẫn quyết định niêm yết? Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, người nắm giữ 60% cổ phần của SQC, cho biết: “Có hai lý do.

Thứ nhất, niêm yết là con đường tốt nhất để SQC nâng cao quản trị doanh nghiệp. Dưới sức ép của cổ đông, doanh nghiệp phải kinh doanh hiệu quả để đạt lợi nhuận cao hơn.

Thứ hai, SQC đang trong quá trình gọi vốn đầu tư của đối tác nước ngoài. Họ yêu cầu SQC phải là công ty đại chúng, công khai và niêm yết đáp ứng được đòi hỏi đó”. Có lẽ lý do thứ hai là nguyên nhân chính của việc SQC niêm yết chăng?

Tốc độ tăng vốn chóng mặt

SQC thành lập tháng 12/2006. Theo Bản cáo bạch niêm yết, trang 9- 10, trong vòng ba năm vốn điều lệ của công ty tăng chóng mặt từ 10 tỉ đồng lên 1.200 tỉ đồng (vốn thực góp 1.000 tỉ đồng) và càng đến ngày niêm yết, tốc độ tăng vốn càng nhanh. Vào tháng 12-2008 công ty có vốn 95 tỉ đồng, nhưng đến tháng 10/2009 đã lên 540 tỉ đồng và một tháng sau thì đạt 1.000 tỉ đồng.

Ông Tâm giải thích việc tăng vốn ngay trước thời điểm niêm yết là để tạo điều kiện cho SQC góp vốn đầu tư vào Công ty Cổ phần Năng lượng Bình Định và Công ty Cổ phần Khoáng sản Ninh Thuận. Ngoài ra, vốn điều lệ lớn còn giúp công ty nâng cao tiềm lực tài chính, cân xứng với số vốn mà nước ngoài dự kiến đầu tư vào SQC.

Nếu vẫn giữ nguyên số vốn điều lệ 95 tỉ đồng như thời điểm cuối năm 2008, SQC không phải đối mặt với việc bắt buộc tăng nhanh lợi nhuận để tỷ lệ lợi nhuận trên vốn không tụt xuống quá thấp. Tháng 12/2007 lợi nhuận sau thuế của công ty là 15,8 tỉ đồng/vốn điều lệ 79,5 tỉ đồng, EPS 1994 đồng/cổ phiếu. Cuối năm 2008 con số tương ứng là 11,3 tỉ đồng/95 tỉ đồng, EPS 1.188 đồng/cổ phiếu.

Thế nhưng năm 2009 việc tăng vốn quá nhiều đã khiến EPS bị pha loãng mặc dù lợi nhuận sau thuế năm ngoái tăng gấp hơn hai lần năm 2008. Theo báo cáo tài chính quí 4/2009, lợi nhuận sau thuế cả năm của SQC là 25,8 tỉ đồng, EPS tụt xuống còn 862 đồng/cổ phiếu, P/E theo giá ngày 12/3/2010 là 160 (tính trên vốn điều lệ bình quân cả năm) hoặc 258 đồng/cổ phiếu, P/E 532 (tính trên vốn điều lệ cuối năm 2009). Chỉ số P/E này thực sự chót vót.

Bản cáo bạch cho thấy năm 2010 lợi nhuận sau thuế của SQC dự kiến 300 tỉ đồng và tăng lên 420 tỉ đồng vào năm 2011. Ông Tâm khẳng định những con số trên là khả thi vì hiện nhà máy tinh chế quặng titan của SQC đã cho ra sản phẩm từ tháng 5/2009, nhưng công ty chưa bán vì còn đợi quyết định của Bộ Tài chính về mức thuế xuất khẩu titan đã chế biến. Hiện tại thuế xuất khẩu titan thô chỉ có 5%, nhưng titan tinh chế là 18%.

“Thuế xuất khẩu titan tinh chế cao như vậy không khuyến khích việc chế biến, mà khuyến khích xuất khoáng sản thô, trong khi giá titan xuất thô chỉ có 50 đô la Mỹ/tấn, còn titan tinh chế tới 600 đô la Mỹ/tấn” - ông Tâm nhấn mạnh. Ông cho biết tháng 4/2010 SQC sẽ ký hợp đồng với đối tác bao tiêu sản phẩm là Itochu (Nhật).

Thiếu hụt thông tin

Rõ ràng trong những tháng tới, khi SQC bắt đầu xuất khẩu titan tinh chế, doanh thu và lợi nhuận của công ty sẽ thay đổi. Vấn đề là ở chỗ những thông tin về việc tồn trữ hàng chờ sửa đổi thuế suất xuất khẩu cũng như lý do của việc tăng vốn quá nhanh đã không được đề cập trong bản cáo bạch niêm yết, là tài liệu công khai duy nhất mà nhà đầu tư có được.

Chính SQC thừa nhận rằng “sự biến động giá cổ phiếu không chỉ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, mà còn vào tình hình thực hiện công bố thông tin và cung cầu thị trường. Để giảm thiểu tối đa rủi ro biến động giá cổ phiếu, công ty đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời quy định về công bố thông tin” (Nguồn: bản cáo bạch, trang 6). Việc trữ hàng hay gọi vốn nước ngoài là những thông tin quan trọng với công ty, nhưng nó đã không được cập nhật tới nhà đầu tư.

Trước mắt, giải quyết thế nào vấn đề thanh khoản của cổ phiếu SQC và ảnh hưởng của nó đến chỉ số HNX vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Phương cách, theo ông Tâm, “động viên” người lao động và cổ đông sở hữu cổ phiếu có thể chuyển nhượng ngay, tăng cường giao dịch là không khả thi. Hơn nữa tỷ lệ cổ phiếu hai đối tượng đó nắm giữ cũng không lớn. Phải đợi đến giữa tháng 6/2010, hết thời gian hạn chế sáu tháng, cổ phiếu của các cổ đông là thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc... mới có thể được giao dịch.

Trong ba tháng chờ đợi ấy HNX có thể vẫn bị tác động bởi thanh khoản kém của cổ phiếu SQC, thật không công bằng cho thị trường. Đây đó đã có ý kiến thay đổi cách tính chỉ số sàn Hà Nội, nhưng chưa thấy HNX phản hồi. “Giải mã” cổ phiếu SQC chính là một kinh nghiệm quý đối với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cũng như đối với bản thân SQC về sự minh bạch, công khai thông tin khi trở thành công ty đại chúng.

Hải Lý (TBKTSG)