17:38 09/06/2023

Giải pháp cấp bách trước tình trạng cắt điện luân phiên trên diện rộng tại Thanh Hóa

Nguyễn Thuấn

Từ ngày 12/5 đến nay, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã liên tục thực hiện các đợt cắt giảm công suất, trong đó các ngày 1/6 đến 4/6 đã cắt giảm công suất từ 271 - 527 MW/ngày, cao nhất ngày 4/6 đã cắt giảm đến 527 MW...

Người dân đổ xô đi mua máy phát điện
Người dân đổ xô đi mua máy phát điện

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 17 nguồn phát điện đang hoạt động với tổng công suất 2.485,2 MW, bao gồm 2 nhà máy nhiệt điện, 11 nhà máy thủy điện, 03 nhà máy điện sinh khối, 1 nhà máy điện mặt trời.

Tuy nhiên, do diễn biến thủy văn bất lợi và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện rất thấp, làm sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện chỉ đạt khoảng 35 - 50% so với cùng kỳ, ngoài ra, Tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (có công suất 600 MW) gặp sự cố kỹ thuật từ ngày 04/5/2023 (dự kiến đến tháng 7/2023 mới khắc phục xong) đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng cung cấp điện của tỉnh lên hệ thống lưới điện quốc gia.

ƯU TIÊN CẤP ĐIỆN PHỤC VỤ SẢN XUẤT

Thời điểm hiện tại, sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục tăng cao, công suất tiêu thụ điện vào các giờ cao điểm trung bình toàn tỉnh khoảng 1.250 - 1.300 MW, đặc biệt vào ngày 01/6/2023 công suất đỉnh lên tới 1.410 MW, vượt quá khả năng cung cấp điện của hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh (chỉ đáp ứng được khoảng 70 - 75% công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng cực đoan).

Trước tình hình trên, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và Công ty Điện lực Thanh Hóa đã triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) với 184/192 đối tượng khách hàng sử dụng điện lớn (là các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản điện trên 1 triệu kWh/năm) để tối ưu hóa nguồn cầu, giảm công suất tiêu thụ đỉnh; thực hiện điều tiết, sa thải phụ tải, cắt điện luân phiên một số lộ đường dây và trạm biến áp, tiết giảm điện vào khu vực tiêu dùng, ưu tiên cấp điện phục vụ sản xuất tại các khu công nghiệp, nhà máy có đông công nhân lao động, các khu vực trung tâm đô thị và các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh phụ tải đã làm cho một số khu vực bị mất điện cục bộ, nhất là khu vực nông thôn, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Từ ngày 12/5 đến nay, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã liên tục thực hiện các đợt cắt giảm công suất, trong đó các ngày 1/6 đến 4/6 đã cắt giảm công suất từ 271 - 527 MW/ngày, cao nhất ngày 4/6 đã cắt giảm đến 527 MW.

Theo dự báo của Công ty Điện lực Thanh Hóa, công suất cực đại mùa hè năm 2023 tại tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng trưởng từ 10-15%, trong khi đó, việc bổ sung nguồn điện tại miền Bắc là rất hạn chế, đang gây áp lực không nhỏ trong quá trình vận hành lưới điện.

Thống kê của Công ty điện lực Thanh Hóa cho thấy, trong các ngày từ 4 đến 7/5 vừa qua, đã diễn ra nắng nóng lên đến 40 độ C đã kéo theo tổng sản lượng điện tiêu thụ của toàn tỉnh lên đến 84.140.064 kWh, cao hơn 11,7% so với cùng kỳ.

YÊU CẦU THỰC HIỆN TIẾT KIỆM ĐIỆN

Để đảm bảo nguồn điện ổn định, phục vụ nhu cầu của nhân dân cũng như nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa có công văn yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp tập trung thực hiện tiết kiệm điện mùa khô và năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao tại Công văn số 2310 về việc thực hiện chương trình điều tiết phụ tải và tiết kiệm điện năm 2023.

Công văn nêu rõ, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng ít nhất 10% so với cùng kỳ. Các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng ít nhất 5% so với cùng kỳ. Các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng ít nhất 50% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm ít nhất 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm; tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

Đối với các khách hàng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện theo Thông tư số 23/2017 của Bộ Công Thương, khi có yêu cầu, thông báo của đơn vị điện lực; tăng cường công tác truyền thông đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt để các hộ chủ động giảm nhu cầu tiêu thụ, không đặt nhiệt độ điều hòa dưới 26°C.