10:36 22/12/2008

Giải thưởng ngân hàng: Một năm nhìn lại

Ít có lãnh vực nào mà tỷ lệ số giải thưởng cả trong nước và quốc tế tính trên tổng số doanh nghiệp cao như ngành ngân hàng

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
Ít có lãnh vực nào mà tỷ lệ số giải thưởng cả trong nước và quốc tế tính trên tổng số doanh nghiệp cao như ngành ngân hàng. Thế nhưng đằng sau những giải thưởng này là các câu chuyện không có gì đáng vui.

Thứ nhất là việc trao giải: các giải thường được trao ở nước ngoài, ban đầu ngân hàng đoạt giải còn đi nhận với đầy đủ ban bệ, quay phim, chụp ảnh rầm rộ để về làm quảng cáo; sau được giải đến 3-4-5 lần thì việc đi nhận trở nên nhạt nhẽo hơn, thậm chí còn được “đá bóng, chuyền tay”.

Có thời điểm một vài ngân hàng còn mời cả đại diện nơi trao giải sang Việt Nam để trao lại, nhân tiện làm “sự kiện” quảng bá rầm rộ. Sau được trao nhiều giải quá thấy tốn kém nên cũng chỉ âm thầm nhận về rồi để đấy.

Thứ hai là tấm bằng chứng nhận: ở trong nước mỗi tấm bằng chứng nhận hay giải thưởng đều có chữ ký và con dấu đỏ chót, nhưng nước ngoài thì khác, chỉ có mỗi biểu tượng giải, tên ngân hàng đoạt giải và chữ ký người đại diện.

Thế mới có chuyện một đại diện của tạp chí nước ngoài được mời sang trao giải, được bố trí ở khách sạn Hilton, gần đến giờ trao giải ông này mới chợt nhớ ra là mình quên mang theo bằng chứng nhận cho ngân hàng, nhanh trí ông này đã liên lạc về cơ quan và tải file qua Internet, sau đó in màu rồi ung dung mang đến dự lễ và trao giải cho ngân hàng.

Mãi sau này cán bộ ngân hàng mang treo trang trọng trên phòng truyền thống mới thấy đằng sau tờ giấy có dòng chữ Hilton Opera Việt Nam, ấy là bản in được in trên khổ giấy A4 của khách sạn Hilton. Điều đó cho thấy giải thưởng với tấm bằng chứng nhận quốc tế liệu có phải là quá quan trọng không để lấy đó đánh bóng tên tuổi trong khi bỏ quên chất lượng phục vụ.

Thứ ba là vấn nạn quảng cáo: mỗi ngân hàng đoạt giải trao bởi một tạp chí danh tiếng của châu Á hay châu Âu thường nhận kèm theo một lời mời quảng cáo trên tạp chí với mức phí không hề rẻ (khoảng 8.000-15.000 đô la Mỹ hoặc bảng Anh cho 1 trang A4), đắt gấp 10-20 lần quảng cáo trong nước mà lại sai đối tượng khách hàng muốn nhắm đến.

Khi ngân hàng đoạt giải, nhiều giám đốc đã ký quảng cáo thoải mái, không lo nghĩ nhưng có ngân hàng đoạt quá nhiều giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất” cùng lúc đã phát hoảng vì những thư mời quảng cáo kiểu này.

Tính sơ sơ một tạp chí quốc tế, mỗi năm bình chọn khoảng 100-120 ngân hàng tại chừng ấy quốc gia, nguồn quảng cáo thu được cũng đã là khoản kếch sù. Điều ấy lý giải vì sao trong một vài năm trở lại đây giải thưởng “quốc tế uy tín” cho các ngân hàng Việt Nam lại trở nên nhiều đến thế.

Lê Trí Dũng (TBKTSG)