08:48 06/06/2007

“Giảm bức xúc cho doanh nghiệp nhờ quản lý rủi ro”

Minh Quang

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhìn lại một năm ngành hải quan áp dụng qui trình quản lý rủi ro

"Quản lý rủi ro đã giúp giảm đáng kể lưu hàng của doanh nghiệp."
"Quản lý rủi ro đã giúp giảm đáng kể lưu hàng của doanh nghiệp."
Ngày 1/1/2006, ngành hải quan bắt đầu áp dụng quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Đến nay, việc áp dụng quy trình này đã đạt được một số thành công nhất định.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về vấn đề này.

Ngành hải quan đã bắt đầu áp dụng qui trình quản lý rủi ro mới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Sau hơn một năm thực hiện, ông nhận định như thế nào về qui trình?

Từ ngày 1/1/2006, qui trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, tức là không phải tất cả các hàng hóa đều bị kiểm tra mà chỉ dựa trên những phân tích một số loại hàng hóa kiểm tra.

Qui trình này đã giải quyết rất nhiều bức xúc của doanh nghiệp trong khâu kiểm hóa đồng thời giúp cho cán bộ lãnh đạo hải quản nắm được qui trình hàng hóa thông quan một cách rõ ràng. Trong một thời gian không dài, chúng tôi đã chuẩn bị đủ thứ để có thể áp dụng qui trình mới từ việc chuẩn bị văn bản cho đến hạ tầng cơ sở phần cứng và mềm, thiết bị và con người...

Việc áp dụng qui trình mới đạt được một số thành công nhất định. Thứ nhất, vì kiểm tra dựa trên cơ sở phân tích thông tin, quản lý một rủi ro chứ không phải kiểm tra tràn lan nên đã giảm đáng kể lưu hàng của doanh nghiệp. Tỷ lệ kiểm tra giảm xuống chỉ còn 30%, cũng nhờ vào việc phân luồng hàng hóa. Thứ hai là việc áp dụng qui trình mới không ảnh hưởng, trái lại vẫn bảo đảm mục tiêu về thuế. Thu thuế xuất nhập vẫn tăng theo tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy những sai phạm trong qui trình mới về phía doanh nghiệp vẫn còn tồn tại. Ví dụ như việc phân luồng hàng hóa không đúng, hiện tượng chuyển từ luồng này qua luồng kia vẫn được cán bộ hải quan phát hiện khi kiểm tra. Đến nay, chúng tôi chưa có con số chính thức về chuyển luồng nhưng có báo cáo ở một hải quản địa phương tỷ lệ chuyển luồng vẫn còn cao và sai phạm trong kiểm tra hàng hóa có phân luồng không thấp.

Tuy nhiên, thưa ông, một số Cục Hải quan tỏ ra lúng túng đối với qui trình mới. Ở một số nơi, Cục Hải quan vẫn kiểm tra gần như 100%. Ông nhận định việc này như thế nào?

Việc áp dụng một qui trình mới đương nhiên sẽ gặp những vấn đề không thể tránh được, đó là sự thiếu sót và nhận thức chưa hoàn chỉnh ở một số Cục Hải quan địa phương. Nhưng không thể vì điều đó mà không đưa vào qui trình mới.

Đây là qui trình áp dụng theo xu hướng của thế giới và hài hòa hóa các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và không thể thiếu trong hoạt động hải quan hiện đại. Vì vậy phải áp dụng qui trình mới và hoàn thiện trong thời gian thực hiện, để đợi khi hoàn thiện hệ thống mới làm thì không biết khi nào làm được.

Hệ thống thu thập, phân tích và xử lý thông tin của ngành, trong đó có cả thông tin tình báo kinh tế có đóng góp vào việc áp dụng qui trình mới thành công. Tuy nhiên, một số hải quan địa phương nói rằng họ không biết phải làm gì với việc này, thậm chí không có người nói gì đến việc thu thập thông tin tình báo?

Chúng tôi rất hiểu điều này vì như tôi nói ở trên qui trình quá mới chưa có sự chuẩn bị. Cán bộ thu thập thông tin chưa được chuẩn bị và đào tạo để có thể đáp ứng yêu cầu đề ra. Thực ra, việc thu thập, phân tích và xử lý thông tin trong ngành rất có ích trong qui trình mới. Nếu tập trung thì chúng tôi có thể biết được hoạt động của doanh nghiệp và đánh giá được hoạt động của họ.

Thông tin tình báo ở đây phải hiểu là việc thông tin từ bên ngoài, là thu thập từ các nguồn khác trong đó có báo chí. Trong giai đoạn hai này, chúng tôi sẽ tập trung khắc phục những nhược điểm này, đặc biệt là tăng cường huấn luyện và đào tạo cán bộ thu thập, phân tích và xử lý thông tin.

Ngoài ra, liên quan đến thông tin, chúng tôi có yêu cầu Bộ Tài chính ra hướng dẫn về phối hợp thông tin giữa các cơ quan như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Thương mại, Thuế, Công an... Việc chia sẻ và phối hợp thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhau sẽ giúp rất nhiều cho việc hoàn thiện qui trình mới của hải quan.

Trong giai đoạn hai, qui trình quản lý rủi ro hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được ngành hải quan đặt mục tiêu hoàn thiện như thế nào, thưa ông?

Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện cả phần cứng và phần mềm của qui trình mới, bao gồm nâng cấp chương trình phần mềm, tăng cường tổ chuyên trách, đào tạo cán bộ, hoàn thiện các bộ tiêu chí mà dựa vào đó Cục Hải quan địa phương có thể thực hiện cho đúng qui trình mới. Các qui trình nghiệp vụ sẽ được lồng ghép qui trình quản lý rủi ro.

Ngân hàng Thế giới (WB) giúp đỡ hiện đại hóa hải quan Việt Nam và hoàn thiện qui trình quản lý rủi ro sẽ là một phần trong dự án của WB đến năm 2010. Mục tiêu của qui trình trong giai đoạn mới là giảm tỷ lệ kiểm tra thông quan xuống mức thấp để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện vì tỷ lệ sai phạm và chuyển luồng còn khá cao.