14:00 28/03/2022

“Giảm khai thác, tăng xuất khẩu”: Thách thức lớn cho ngành thủy sản

Chu Khôi

Ngành thủy sản đặt mục tiêu tăng trưởng âm về sản lượng khai thác hải sản nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng dương về giá trị sản phẩm xuất khẩu. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh các nhà máy chế biến thừa công suất, thiếu nguyên liệu. Hơn nữa, cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu chưa được tháo dỡ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu...

Chế biến hải sản làm động lực để tăng giá trị xuất khẩu.
Chế biến hải sản làm động lực để tăng giá trị xuất khẩu.

Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2022" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức mới đây, các đại biểu nhất trí cho rằng, hạ giá thành khai thác, nâng cao năng suất, chất lượng là yêu cầu cấp thiết cần giải quyết.

VẪN CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,886 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,899 tỷ USD, trong đó, riêng hải sản đạt 3,4 tỷ USD, tăng trưởng 6,7% so với năm 2020.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng sản lượng hải sản khai thác đạt 566,7 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đánh giá về kết quả đạt được trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho rằng năm 2021, nhờ quản lý tốt hạn ngạch về giấy phép khai thác thủy sản, tổng số tàu khai thác thủy sản giảm 3,07%, trong đó tàu xa bờ giảm 2,9%.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu về sản xuất đều đạt so với kế hoạch, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sản phẩm khai thác tăng 0,9%; năng suất khai thác thủy sản tính bình quân trên từng tàu tăng 3,5% là những kết quả rất đáng khích lệ. Hiện nay, nhiều tàu khai thác xa bờ đã được đóng mới trang bị lắp máy công suất lớn, trang thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại.

 

Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,508 tỷ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, xuất khẩu hải sản đạt 573 triệu USD, chiếm tỷ trọng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Các loài hải sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ.

Đến hết tháng 2/2022, cả nước có 86 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với gần 17,7 nghìn đoàn viên và trên 6,2 nghìn tàu có chiều dài từ 15m trở lên; trên 4,2 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của gần 29,6 nghìn tàu cá...

Các mô hình chuỗi liên kết ngành hàng hải cũng phát triển mạnh. Trong các chuỗi này, doanh nghiệp đặt hàng về quy cách bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc, nhận bao tiêu sản phẩm giá cao hơn giá thị trường tại cùng thời điểm. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành thủy sản. Đó là, năng lực khai thác thủy sản đã được cắt giảm theo lộ trình nhưng cường lực khai thác vẫn ở mức cao, sản lượng khai thác tăng, vượt quá khả năng tái tạo lại nguồn lợi.

Sản phẩm từ tàu khai thác mang hàm lượng ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật chưa cao làm cho năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch và giá thành cao ảnh hưởng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ngoài ra, giá xăng dầu trong 3 tháng đầu năm tăng cao, dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới, gây khó khăn lớn đến hoạt động khai thác thủy sản.

Theo phản ánh của các chủ tàu cá và các địa phương, với giá dầu như hiện nay, nhiều chuyến biển bị thua lỗ do giá mua các mặt hàng hải sản từ đầu năm đến nay không tăng, nhiều tàu đã phải tạm ngừng hoạt động đánh bắt.

BẢO QUẢN CHẾ BIẾN LÀ KHÂU THEN CHỐT

Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu khai thác khoảng 8,7 triệu tấn (bằng 99,9% so với năm 2021). Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn (bằng 97,1% năm 2021); sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn (bằng 102,2% năm 2021). Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 37-39%.

Để đạt mục tiêu giảm sản lượng đánh bắt, nhưng tăng giá trị xuất khẩu, thì bảo quản và chế biến hải sản phải là khâu then chốt. Đối với khâu bảo quản, Tổng cục Thủy sản cho biết hiện cả nước có 354 cơ sở sản xuất nước đá; 640 kho lạnh sản phẩm hải sản với tổng sức chứa khoảng 78,7 nghìn tấn và 14 kho cho thuê với sức chứa 46 nghìn tấn; 9 nhà phân loại hải sản, đảm bảo phân loại 240 tấn sản phẩm/ngày; trên 1,1 nghìn cơ sở nậu vựa, thu mua, kinh doanh hải sản.

 

"Thách thức lớn hiện nay là các nhà máy chế biến hải sản đang có tình trạng thừa công suất, thiếu nguyên liệu... Còn về công nghệ chế biến thủy hải sản ở nước ta hiện nay đang phát triển chậm, chủ yếu sản phẩm sơ chế, lợi nhuận thấp, bị tụt xa so với nhiều nước và các lĩnh vực khác như chế biến rau củ quả, chế biến gỗ".

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Nhằm khắc phục những hạn chế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án “Phát triển chế biến thủy hải sản”, với mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 60% số lượng cơ sở chế biến thủy sản đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên, có quy mô lớn, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt bình quân trên 10%/năm, tỷ trọng giá trị sản phẩm thủy sản thông qua chế biến sâu đạt 45 – 50%.

Để giải quyết vấn đề đặt ra về việc giảm sản lượng khai thác, tăng giá trị hải sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản cần khẩn trương cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu nghề, quản lý đội tàu gắn với truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình, hàng tháng gửi ban chỉ đạo các tỉnh và triển khai quy hoạch bảo tồn khai thác. Các địa phương phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác IUU. 

“Phát triển hạ tầng cảng cá là nhiệm vụ cốt lõi. Tuy nhiên, cảng cá cấp 2, 3, các tỉnh phải bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp, không chờ Trung ương. Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân phải triển khai gấp rút. Để giảm số lượng tàu, giảm sản lượng khai thác thì các tỉnh phải hỗ trợ làm bệ đỡ cho ngư dân chuyển đổi nghề. Cần tập trung vào giá trị gia tăng, hiệu quả chế biến, tránh thất thoát hải sản sau đánh bắt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

 
 
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Tính đến hết tháng 2/2022 đã có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Trong đó, hạn ngạch vùng biển khơi là 31.297 giấy phép; 18.439 giấy phép vùng lộng và 34.929 giấy phép ven bờ.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ quyết liệt chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, đặc biệt là việc duy trì kết nối trong suốt thời gian tàu hoạt động; đồng thời tăng cường kiểm soát tàu cá rời cảng và về cảng; đảm bảo thực hiện đúng quy định về khai báo và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng; tiếp tục điều tra nghề cá thương phẩm phục vụ việc đánh giá, xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép trên các vùng biển, nghề một cách hợp lý và bền vững.

 
 
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hai quy hoạch quan trọng của ngành thủy sản là: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời đề nghị Bộ tham mưu, trình Chính phủ ban hành sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gia tham gia sản xuất theo chuỗi giá chính trị sản phẩm thủy sản khai thác; khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào liên kết trong cung ứng khai thác gắn với chế biến và tiêu thụ thuỷ sản theo chuỗi.