Giầy Thượng Đình muốn rút khỏi lô đất vàng 277 Nguyễn Trãi “càng sớm càng tốt”
Là thương hiệu "vang bóng một thời" nhưng Giầy Thượng Đình ngày càng kinh doanh sa sút, chìm trong thua lỗ
Tài liệu họp Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình tiết lộ tình hình tài chính rất khó khăn của công ty.
Năm 2018, doanh thu Giầy Thượng Đình đạt 174 tỷ đồng, giảm hơn 14% trong khi đó, các chi phí lần lượt tăng cao khiến công ty rơi vào thua lỗ gần 17 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2017 doanh nghiệp này đạt doanh thu 202 tỷ và cũng lỗ 17,08 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 năm IPO cổ phần hoá, Giầy Thượng Đình chìm trong thua lỗ. EPS cổ phiếu ở mức âm.
"Tình hình tài chính công ty gặp nhiều khó khăn. Nợ khó đòi là 12 tỷ, lỗ nhà máy Hà Nam 3,6 tỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính, phát sinh lãi vay ngân hàng. Các khoản chi phí tăng cao rất nhiều, đặc biệt tiền khấu hao và tiền thuê đất", ban lãnh đạo công ty cho hay.
Công ty nhấn mạnh nếu tiếp tục sản xuất, kinh doanh như hiện nay với chi phí cao thì rất khó để có lãi, thậm chí còn nguy cơ lỗ cao. Năm 2018, tổng chi phí khấu hao tài sản, công cụ sản xuất, tiền thuê đất của Giầy Thượng Đình khoảng 16,6 tỷ đồng.
Năm 2019, công ty đặt kế hoạch kinh doanh khá dè dặt với doanh thu 175 tỷ và lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, với khó khăn bủa vây, Giầy Thượng Tình khó có thể đạt được kế hoạch này.
Về tình hình xuất khẩu, Giầy Thượng Đình cho biết đơn hàng xuất khẩu không thuận lợi do thay đổi xu hướng tiêu dùng trong giày dép, chuyển từ giày vải lưu hoá sang dòng giầy thể thao gò dán, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu giảm mạnh. Giá cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm giầy khác của Việt Nam và Trung Quốc. Tiền thuê đất tăng cùng các chi phí khác ở mức độ cao so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Về thị trường nội địa, công ty gặp phải cạnh tranh với các cơ sở kinh doanh nhỏ không có hoá đơn, chứng từ. Có hiện tượng làm hàng giả,..
Trong khi đó, nhà máy Thượng Đình đã cũ, cải tạo rất khó. Hệ thống máy móc cũng cũ, lạc hậu về công nghệ do đó khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Việc thoái vốn nhà nước tại Giầy Thượng Đình, kế hoạch di dời không rõ ràng do đó khó khăn cho hoạch định sản xuất kinh doanh.
Công ty cho biết hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Nhà máy ở 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) rất kém về lợi thế. Có những chi phí tăng mạnh như chi phí khấu hao, thuê đất từ đó dẫn đến kết quả kinh doanh sẽ bị lỗ.
Do đó, Ban lãnh đạo công ty đề xuất việc di dời cơ sở sản xuất rại 277 Nguyễn Trãi do việc sản xuất tại địa điểm này rất bất lợi do chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất, chi phí khấu hao.
"Hội đồng quản trị công ty, Tổ giữ vốn, Lãnh đạo công ty chỉ đạo lập kế hoạch di dời, xin UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt", báo cáo nêu.
Trong trường hợp di dời, công ty cho rằng nhà nước, nhà đầu tư cũng sẽ không bị mất vốn hoặc hạn chế tối đa mất vốn do sản xuất kinh doanh nhà máy Hà Nội là không hiệu quả, các chi phí tăng nhanh.
Nếu di dời công ty đầu tư xây dựng bổ sung theo cam kết thì UBND tỉnh Hà Nam có thể sẽ không thu hồi đất. Nếu việc xây dựng bổ sung thực hiện được trong quý 4 năm nay thì tỉnh Hà Nam sẽ không cưỡng chế thu hồi đất.
Theo bản cáo bạch khi IPO, khu đất tại số 277 đường Nguyễn Trãi, diện tích 36.105,1m2. Trong đó 35.628,8m2 nằm ngoài chỉ giới quy hoạch mở đường được thuê đất trả tiền hàng năm. 476,3 m2 đất còn lại nằm trong chỉ giới quy hoạch mở đường. Theo kế hoạch, Công ty sẽ triển khai di dời cơ sở ô nhiễm ra ngoài ngoại thành và thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Với dự án này, Giày Thượng Đình đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với HBI, Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Ba Đình 6, Công ty Phát triển kỹ thuật công nghệ EDH nhưng chưa thành lập pháp nhân mới để triển khai dự án.