11:15 15/12/2011

“Giới đầu nậu có thể đang gom đô để nhập lậu vàng”

Kiều Oanh

Không phải ngẫu nhiên mà sau một thời gian ổn định ở ngưỡng quanh 21.100 đồng, tỷ giá USD tự do đang “bốc” lên

Không phải ngẫu nhiên mà sau một thời gian ổn định ở ngưỡng quanh 21.100 đồng, tỷ giá USD tự do đang “bốc” lên.
Không phải ngẫu nhiên mà sau một thời gian ổn định ở ngưỡng quanh 21.100 đồng, tỷ giá USD tự do đang “bốc” lên.
Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới sáng nay lên tới 3 triệu đồng/lượng, tỷ giá USD/VND tự do vọt lên 21.400 đồng. Theo một số nhà kinh doanh vàng, hoạt động nhập lậu vàng có thể đang diễn ra và gây sức ép cho tỷ giá.

Hơn 10h sáng nay, giá vàng SJC tại Tp.HCM được Công ty SJC niêm yết ở mức 42,95 triệu đồng/lượng cho chiều thu mua và 43,35 triệu đồng/lượng cho chiều bán ra.

Cùng thời điểm, giá vàng giao ngay tại châu Á trên bảng giá Kitco là 1.574,5 USD/oz. Quy đổi theo giá USD thị trường tự do tại Hà Nội bán ra là 21.320 đồng/USD, mức giá vàng quốc tế này tương đương khoảng 40,4 triệu đồng/lượng, chưa tính các chi phí liên quan.

Như vậy, vàng “nội” đang đắt hơn giá vàng “ngoại” tới gần 3 triệu đồng/lượng.

“Với chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới như hiện nay, hoạt động nhập lậu vàng nhiều khả năng đang xảy ra”, lãnh đạo một công ty kim hoàn lớn phía Nam nhận định.

Theo vị này, tình trạng leo thang mạnh của giá USD tự do từ hôm qua, ngoài ảnh hưởng của việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá chính thức, rất có thể còn do giới đầu nậu nhập vàng, chủ yếu qua biên giới Tây Nam, đang tiến hành gom USD để đưa vàng vào Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà sau một thời gian ổn định ở ngưỡng quanh 21.100 đồng, tỷ giá USD tự do đang “bốc” lên cùng với sự kéo giãn của mức chênh giá vàng trong nước - quốc tế, nhà kinh doanh vàng này nhận định.

Tại thị trường Tp.HCM, giá USD lúc đầu giờ sáng nay đã được đẩy lên 21.350 đồng (mua vào) và 21.400 đồng (bán ra).

Tại Hà Nội, giá USD cũng đang rất “nóng” nhưng có phần tăng chậm hơn. Lúc hơn 10h, ngoại tệ này được một số điểm thu đổi tự do báo giá ở mức 21.270 đồng (mua vào) và 21.320 đồng (bán ra), tăng 20 đồng so với đầu giờ và đã cao hơn 80 đồng so với cuối giờ chiều qua.

Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang gây sức ép tăng tỷ giá USD/VND theo ba hướng.

Thứ nhất, vàng miếng trong nước đang có giá cao hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với vàng quốc tế, nên nhiều người dân muốn mua vàng lúc này không chọn mua vàng miếng mà mua vàng 99,99. Thực tế này tạo lực cầu mạnh đối với vàng nguyên liệu chưa được dập thành vàng miếng.

Thứ hai, đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu vàng nữ trang của thị trường có xu hướng tăng cao. “Vàng biên mậu” - theo cách nói của ông Hải - có thể hút hàng đối với các công ty sản xuất nữ trang đang rất cần nguyên liệu để sản xuất.

Và thứ ba, nhu cầu USD của các ngân hàng và doanh nghiệp vàng trong nhóm “5+1” đơn vị được kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài cũng góp phần khiến USD tăng giá.

Theo ông Hải, trước đây, các đơn vị này mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài với giá cao hơn, nay giá vàng sụt mạnh, buộc họ phải nộp tiền bù lỗ (margin call). Số tiền phải nộp này là USD, được nộp vào tài khoản ở nước ngoài, có thể dù không quá lớn nhưng cũng khiến tạo thêm sức ép tăng giá USD trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.

“Để đạt mục tiêu đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới, tôi cho rằng nên có một sàn vàng quốc gia”, ông Hải khuyến nghị.

Lần gần đây nhất Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng đã cách đây hơn hai tháng rưỡi, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2 triệu đồng/lượng.

SJC, công ty sở hữu loại vàng miếng bán chạy nhất hiện nay, cho biết, họ không hề gặp khó khăn về nguồn cung cho dù lực cầu thị trường tăng mạnh mấy ngày qua, nhưng giá vàng trong nước vẫn đắt một cách phi lý so với thế giới. Các loại vàng “phi SJC” đang trong tình trạng ế ẩm, dù một số loại đã được “đại hạ giá” thấp hơn SJC cả triệu đồng mỗi lượng.