10:02 25/09/2023

Giữ tinh thần quyết liệt loại bỏ IUU

Chương Phượng

Nếu năm nay không gỡ được “thẻ vàng” IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định) thì tháng 4/2024 châu Âu bầu cử chính quyền mới, lúc đó phải 1-2 năm sau mới có thể tháo gỡ được…

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy dưới đây, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh phải quyết tâm cao, rốt ráo kiểm soát đánh bắt trên biển, giữ tinh thần quyết liệt để gỡ được “thẻ vàng” vào tháng 10 tới.

Xin Thứ trưởng cho biết kết quả thực hiện những khuyến nghị của EC đối với chống đánh bắt IUU đến thời điểm này?

Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) tại Quyết định số 81/QĐ-TTTg và ban hành Văn bản chỉ đạo địa phương tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho phép cải  hoán tàu cá có chiều dài dưới 15m lên thành tàu có chiều dài từ 15m trở lên từ ngày 20/12/2022. Mặt khác, tổ chức rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương.

Kết quả rà soát đến ngày 29/8/2023, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019). Tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 95.703 giấy phép (vùng khơi từ 31.297 giấy phép; vùng lộng là 21.555 giấy phép; vùng ven bờ là 42.851 giấy phép).

Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) là công cụ hữu ích trong quản lý nghề cá, năng lực khai thác. Xin Thứ trưởng cho biết việc triển khai hệ thống này hiện nay như thế nào?

Đến nay, VNFishbase đã được triển khai tại 31 tỉnh, thành phố có tàu tham gia khai thác hải sản, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản. Kết quả tính đến ngày 29/8/2023, tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 71.658 chiếc; trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 29.381 chiếc. Một số địa phương đã triển khai xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác.

 

Về cấp giấy phép khai thác thủy sản, tổng số tàu cá từ 15m trở lên đã được cấp phép còn hạn là 27.856/29.381 chiếc (đạt 94,8%); hết hạn là 1.193/29.381 chiếc (chiếm 4,1%); chưa cấp giấy phép là 332/29.381 chiếc (chiếm 1,1%).

Về đăng kiểm tàu cá, tổng số tàu cá từ 15m trở lên còn hạn đăng kiểm là 21.628/29.381 chiếc (đạt 73,6%); từ 12m trở lên còn hạn đăng kiểm là 28.837/44.746 chiếc (đạt 64,4%).

Mặc dù việc giám sát tàu cá để chống khai thác IUU đã được triển khai quyết liệt, song tình trạng tàu cá vi phạm vẫn diễn ra.  Thứ trưởng có nhận xét gì về vấn đề này?

Đến thời điểm này, hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển. Tính đến ngày 29/8/2023, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,86% (28.753/29.381 chiếc). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý.

Lực lượng Biên phòng địa phương cũng đã kiểm tra, kiểm soát điều kiện của tàu cá theo quy định (giấy tờ, trang thiết bị, lao động trên tàu…) trước khi xuất bến, nhập bến. Từ đầu năm 2023 đến nay đã làm thủ tục xuất, nhập bến cho 550.979 lượt tàu cá, kiểm tra, kiểm soát 121.042 lượt tàu cá hoạt động trên sông, biển.

Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm. Lực lượng Bộ Quốc phòng đã đấu tranh thành công 1 chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng môi giới tổ chức đưa tàu cá, ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; phát hiện, xử lý 2 vụ/3 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Từ quý 4/2022 đến nay, các lực lượng thực thi pháp luật đã phát hiện, bắt giữ 11 vụ/13 tàu cá/115 thiết bị VMS của tàu cá khác để thực hiện hành vi khai thác sai vùng, đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại các cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để sớm gỡ được “thẻ vàng” IUU trong đợt thanh tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10 tới, thưa Thứ trưởng?

Ban chỉ đạo IUU đã họp để chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra EC, trong đó tập trung vào những việc quan trọng.

Thứ nhất, hoàn thiện 2 văn bản quy phạm pháp luật, gồm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trước khi Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra, chắc chắn sẽ xong trước khi Đoàn thanh tra EC sang.

Thứ hai, về quản lý đội tàu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo từng tỉnh chứ không phải 28 tỉnh, thành ven biển như trước nữa.

Thứ ba, về truy xuất nguồn gốc, phải đưa ra những trường hợp cụ thể mà chúng ta đã xử phạt nghiêm, chẳng hạn như 7 tấn cá kiếm của một số doanh nghiệp vi phạm IUU. Điều này để khi EC sang, họ thấy rằng từ đợt kiểm tra thứ 3 sang đợt kiểm tra thứ 4 chúng ta đã nghiêm túc thực hiện.

Thêm một việc nữa là không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các tỉnh để từ nay đến khi EC sang không còn tàu vi phạm. Thực tế, từ đầu năm đến nay vẫn có 39 tàu cá, 252 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tuy đã giảm hơn so với năm 2022 nhưng đây vẫn là con số cảnh báo đối với vấn đề quản lý đội tàu.

Ngoài ra việc xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là xử lý tàu vi phạm, phải xử lý từng tỉnh. Tổng số vụ xử lý từ trước giờ hơn 4.000 vụ với 110 tỷ đồng. Đây là con số chung, còn bây giờ từng tỉnh phải cụ thể hóa, đã xử lý bao nhiêu vụ, bao nhiêu tiền, còn bao nhiêu vụ chưa xử lý hay chỉ là cam kết. Đây cũng là một điểm mà Đoàn thanh tra EC nhấn mạnh là cần phải xử nghiêm.

Bộ cũng đã trình lên Chính phủ Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Hiện Hội đồng Quốc gia đang thẩm định Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã có ý kiến, đang giải trình, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, dự kiến sẽ phê duyệt trong quý 3/2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU khi Đoàn thanh tra EC đến Việt Nam vào tháng 10 tới?

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nói cơ hội gỡ “thẻ vàng” vẫn còn. Nếu năm nay không gỡ được “thẻ vàng” thì tháng 4/2024 châu Âu đã bầu cử chính quyền mới, lúc đó phải 1-2 năm sau mới có thể tháo gỡ được.

Đây là cơ hội rất hẹp, vì thế phải quyết tâm cao để giải quyết.

Thứ nhất, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khẳng định với EC rằng chúng ta đã làm được việc rất khó này.

Thứ hai, xử lý vi phạm hành chính làm rất nghiêm.

Thứ ba, đã xử phạt hành chính đúng hành vi theo Nghị định 42. Đây là những điều chúng ta có thể chứng minh với EC về sự chuyển biến tích cực tiếp theo và với quyết tâm cao đã đạt được những kết quả rõ ràng. Hy vọng chúng ta sẽ gỡ được “thẻ vàng” trong đợt thanh tra lần thứ 4 này...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giữ tinh thần quyết liệt loại bỏ IUU - Ảnh 1