17:01 29/08/2023

Quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU: Đã cắt giảm gần 10.000 tàu đánh cá trên biển

Chu Khôi

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ đón đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ tư đến thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam. Đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện mọi khuyến nghị của EC, đã đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác…

Tàu đánh cá phải có giấy phép khai thác mới được ra khơi.
Tàu đánh cá phải có giấy phép khai thác mới được ra khơi.

Ngày 29/8/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với 28 tỉnh, thành phố ven biển để thúc đẩy các giải pháp chống IUU.

CẤM CÁC TÀU KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN THAM GIA ĐÁNH BẮT

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết đến nay đã hơn 6 năm (từ ngày 23/10/2017) triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang hoàn tất các thủ tục theo chỉ đạo, trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ để tổ chức triển khai trên thực tế, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định chống khai thác IUU.

Đồng thời đang phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương tổ chức triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về quản lý tàu đánh cá, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tạm dừng chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, tạm dừng cho phép cải hoán tàu cá có chiều dài dưới 15 mét lên thành tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên từ ngày 20/12/2022.

Mặt khác, tổ chức rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản. Kết quả rà soát đến ngày 29/8/2023 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019. Trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019).

 

"Lực lượng Biên phòng địa phương đảm nhiệm việc kiểm tra, kiểm soát điều kiện của tàu cá theo quy định trước khi xuất bến, nhập bến.Từ đầu năm 2023 đến nay đã làm thủ tục xuất, nhập bến cho 550.979 lượt tàu cá, kiểm tra, kiểm soát 121.042 lượt tàu cá hoạt động trên sông, biển".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về cấp giấy phép khai thác thủy sản, tổng số tàu cá từ 15 m trở lên đã được cấp phép còn hạn là 27.856/29.381 chiếc (đạt 94,8%); hết hạn là 1.193/29.381 chiếc (chiếm 4,1%); chưa cấp giấy phép là 332/29.381 chiếc (chiếm 1,1%).

Phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase) đến nay đã triển khai tại 31 tỉnh, thành phố có tàu tham gia khai thác hải sản, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản.

Kết quả tính đến ngày 29/8/2023, tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 71.658 chiếc; trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là 29.381 chiếc.  Đến nay, một số địa phương đã triển khai xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác.

Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển. Tính đến ngày 29/8/2023, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt 97,86% (28.753/29.381 chiếc). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…).

Toàn cảnh hội nghị ngày 29-08-2023. Ảnh: VPG.
Toàn cảnh hội nghị ngày 29-08-2023. Ảnh: VPG.

Trên cơ sở khuyến cáo của Đoàn Thanh tra Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-Sante) tại đợt thanh tra tháng 6/2023 và kết quả thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, Bộ đã gửi Cơ quan thẩm quyền EU đưa tên Công ty TNHH T&H Nha Trang ra khỏi danh sách Doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào EU.

“Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSM. Đến thời điểm này, đã đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

        XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ĐÓN TIẾP ĐOÀN THANH TRA CỦA EC

Để gỡ được "thẻ vàng", lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự họp cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa phương trong việc quản lý và ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi IUU.

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư đề xuất các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP) tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong việc thực hiện các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn vi phạm quy định IUU.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - Ảnh: VGP/Hải Minh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu rõ việc EC cảnh báo "thẻ vàng" khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, đồng thời chỉ rõ ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài EU.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, trong đó nêu rõ những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến làm việc; chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mục tiêu không để có tàu cá nào bị bắt ở nước ngoài.

Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đánh giá sự quyết liệt chưa đồng đều, có những địa phương quản lý tốt tàu cá ra vào bến và nâng cao được tỉ lệ truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác như Cà Mau, nhưng cũng còn những địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý các khuyến nghị của đoàn thanh tra EC.

Đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về chống IUU theo hướng nhắc nhở, cảnh báo, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm.