12:06 20/06/2022

Giữa “cơn bão” lãi suất, nhà đầu tư được khuyên “nhút nhát thay vì dũng cảm bắt đáy”

An Huy

Một chiến lược gia nói rằng đã đến lúc nhà đầu tư nên dừng việc “chống lại Fed” và nên từ bỏ tinh thần bắt đáy...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tuần vừa rồi, Phố Wall và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng nhận ra một thực tế mới, rằng lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hề có dấu hiệu sớm hạ nhiệt như họ lầm tưởng trước đó. Hệ quả là giá cổ phiếu ở Mỹ và nhiều thị trường khác đã “đỏ lửa”, và xu hướng bán tháo này được dự báo sẽ không sớm kết thúc.

Chỉ số S&P 500 đã có tuần giảm thứ 10 trong vòng 11 tuần và hiện đang chìm sâu trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Chỉ số Dow Jones cũng tuột khỏi mốc 30.000 điểm kể lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021.

LỜI KHUYÊN CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Tuy nhiên, không giống những đợt giảm khác trong những năm gần đây, lần này, Fed sẽ không giúp tạo ra một cuộc đảo chiều cho thị trường. Thay vào đó, Fded đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào hôm thứ Tư tuần trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, và phát tín hiệu sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt trong thời gian tới.

Tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ. Theo nhận định của giới chuyên môn, ông Powell sẽ giữ vững lập trường rằng Fed sẽ cứng rắn hơn cho tới khi lạm phát được kiểm soát hoàn toàn.

Chiến lược gia Ajay Singh Kapur của ngân hàng Bank of America nhận định trong một báo cáo rằng đã đến lúc nhà đầu tư nên dừng việc “chống lại Fed” và nên từ bỏ tinh thần bắt đáy.

“Trong một thị trường đầu cơ giá xuống, chủ nghĩa anh hùng luôn bị trừng phạt. Dũng cảm là không cần thiết, và nhút nhát chính là điều nên có khi xây dựng danh mục. Đó là cách để bảo toàn vốn và tiếp tục sống để chiến đấu, chờ tới khi ngân hàng trung ương thay đổi chính sách, định giá cổ phiếu trở nên tốt hơn, và lợi nhuận bước vào một chu kỳ tăng mới”, ông Kapur khuyến nghị.

Cổ phiếu công nghệ, nhóm có độ nhạy cảm đặc biệt cao với lãi suất tăng, đã bị ảnh hưởng tiêc cực rất nhiều trong môi trường hiện nay. Điều tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu có tính chu kỳ cao như hàng không và du lịch.

Tuy nhiên, bán tháo không chỉ gói gọn ở thị trường cổ phiếu. Giá Bitcoin cũng “bốc hơi” hơn 30% trong tuần qua, có lúc không giữ nổi mốc 20.000 USD, trong bối cảnh liên tục có tin về trục trặc tại các sàn giao dịch tiền ảo. Giá trái phiếu kho bạc Mỹ cũng lao dốc, khiến lợi suất tăng cao.

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh trong phiên ngày thứ Tư, sau khi Fed công bố nâng lãi suất vì động thái này không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường. Tuy nhiên, sự lạc quan đó nhanh chóng đảo ngược trong phiên ngày thứ Năm. Nhiều chiến lược gia cảnh báo rằng thị trường và tâm lý của nhà đầu tư có thể giảm sút sâu hơn, xét tới việc những dự báo về lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vẫn còn lạc quan.

“Fed đang cần phải chống lại lạm phát một cách nhanh nhất và mạnh nhất có thể. Và thị trường đã luôn chậm trong việc hiểu rằng Fes sẽ phải cứng rắn tới mức như thế nào”, chiến lược gia Andrew Smith của Delos Capital Advisors phát biểu.

Tác động lên thị trường từ việc Fed nâng lãi suất bị khuếch đại bởi những con số thống kê kinh tế xấu đi, vì giới đầu tư và phân tích dường như đang mất niềm tin vào khả năng của Fed trong việc tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế.

Thị trường bất động sản Mỹ có vẻ đang giảm nhiệt nhanh, thể hiện qua số nhà mới khởi công và số hồ sơ xin cấp khoản vay thé chấp nhà cùng sụt giảm. Tâm lý người tiêu dùng cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bắt đầu tăng lên khi các công ty công nghệ liên tiếp tuyên bố sa thải nhân viên. Trong khi đó, giá dầu chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ giảm dưới 100 USD/thùng trong mùa lái xe cao điểm vào những tháng hè.

SẼ CÓ SUY THOÁI KINH TẾ MỸ?

Trong một báo cáo hôm thứ Sáu vừa rồi, chuyên gia kinh tế toàn cầu Ethan Harris của Bank of America miêu tả nền kinh tế Mỹ “đã rất gần với suy thoái”.

“Mối lo sợ lớn nhất của chúng tôi liên quan đến Fed đã được xác nhận: Fed đã chậm so với lạm phát và đang phải dấn thân vào một cuộc chơi nguy hiểm để bắt kịp. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc về ngưỡng 0, lạm phát sẽ hạ về khoảng 3%, và Fed sẽ phải nâng lãi suất lên ngưỡng 4%”, ông Harris nhận định.

Ngay cả những chuyên gia kinh tế có quan điểm lạc quan hơn cũng cho rằng nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc “hạ cánh” khó khăn. Trong một báo cáo hôm thứ Sáu, chuyên gia Michael Feroli của JPMorgan Chase cho rằng ông Powell sẽ “khá thành công” trong việc cân bằng hai nhiệm vụ chống lạm phát và bảo toàn sự tăng trưởng cho nền kinh tế, nhưng xảy ra suy thoái là một khả năng rõ rệt.

“Một cuộc hạ cánh mềm như mong muốn là điều không ai có thể đảm bảo. Chủ tịch Fed Powell cũng đã nói rằng đây là mục tiêu không dễ dàng đạt được. Với thị trường lao động thắt chặt, điều kiện tài chính cũng thắt lại, và giá lương thực-thực phẩm và năg lượng cùng tăng, rủi ro suy thoái là rất lớn nếu nhìn về mấy năm tới đây”, ông Ferroli viết. “Các mô hình của chúng tôi cho thấy khả năng 63% xảy ra suy thoái trong vòng 2 năm tới và khả năng 81% xảy ra suy thoái trong vòng 3 năm tới”.

Tuần này, ông Powell lại có sự xuất hiện quan trọng, khi ông tới Capitol Hill để điều trần trước lưỡng viện Quốc hội. Nhiều khả năng ông sẽ giữ nguyên lập trường cứng rắn mà ông đã thể hiện trong tuần vừa rồi.

Hôm thứ Tư, ông Powell nói rằng ông và các quan chức khác trong Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), đơn vị ra quyết sách trong Fed, “hoàn toàn quyết tâm ghìm lạm phát”. Trong một báo cáo gửi Quốc hội Mỹ hôm thứ Sáu, Fed nói rằng cam kết ổn định giá cả là “vô điều kiện”.

Lạm phát đã trở thành một vấn đề chính trị hàng đầu ở Mỹ, tương tự như tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, việc Fed nâng dự báo thất nghiệp cũng có thể trở thành một chủ đề mà các nghị sỹ Quốc hội tập trung chất vấn trong cuộc điều trần tuần này.

“Khi lãi suất Fed tăng lên ngưỡng 2,5% rồi 3,5%, nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, tôi không nghĩ là họ tiếp tục chấp nhận bóp nghẹt tăng trưởng để kéo lạm phát xuống”, chiến lược gia trưởng Robert Tipp của PGIM Fixed Income nhận định. “Nhưng để đưa lạm phát từ 3,5% về 2%, phải chấp nhận mất mát công ăn việc làm. Thông điệp ở đây là sẽ có suy thoái và giảm công ăn việc làm. Nhưng tôi cho rằng đó là sự đánh đổi xứng đáng đối với Fed”.

Ngày thứ Hai (20/6), thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Juneteenth. Tuần này không có nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, ngoại trừ chỉ số niềm tin tiêu dùng do Đại học Michigan thực hiện dự kiến đưa ra vào ngày thứ Sáu.