GS Đặng Hùng Võ: Chính sách đất đai cho giáo dục đang "giật lùi"
Chính sách cho thuê đất không thu tiền đối với đất đầu tư cho giáo dục chỉ còn quy định trong một số trường hợp...
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá chính sách đất đai cho giáo dục hiện nay "đang có sự giật lùi" tại hội thảo Rào cản phát triển giáo dục tư thục, từ nhận thức đến cơ chế, chiều 20/8.
Theo ông Võ, nếu như giai đoạn 2015 – 2017, nhà nước đã từng có chính sách cho thuê đất không thu tiền đối với đất đầu tư cho giáo dục, thì đến Luật Đất đai 2013 ưu đãi này chỉ còn quy định trong một số trường hợp.
Sau này, đến nghị định của Chính phủ, ngoài một số trường hợp vẫn được ưu tiên, còn lại được giao cho địa phương tự quyết định để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương đó, trong khi giáo dục là một trong những lĩnh vực cần khuyến khích xã hội hóa. "Như vậy, chính sách đất đai đối với giáo dục đã bị giật lùi một bước rất lớn", GS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.
Thừa nhận là một cơ sở giáo dục đã gặp vướng trong vấn đề đất đai khi có nhu cầu mở rộng cơ sở, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, việc tìm địa điểm để mở cơ sở là rất khó khăn do quỹ đất phải mua qua các dự án. Trong khi đó, để chọn được vị trí xây trường có tích hợp các tiện ích giao thông, dân cư để thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con thì trường thường phải mua lại của các chủ đầu tư với giá đất rất cao.
"Vấn đề là trong khu đô thị nào cũng hoạch đất để xây dựng trường học, nhưng người cần mua để làm trường như chúng tôi thì rất khó tiếp cận còn người mua để đầu tư kinh doanh, hoặc mua để xây rồi cho thuê lại dường như dễ dàng hơn. Do đó, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần có chế tài đối với các trường tư thục trong việc cho thuê đất, giao đất hoặc bán với giá phù hợp", bà Hiền đề xuất.
Về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ khẳng định, trong quy hoạch khu dân cư, khu đô thị chắc chắn đều có đất dành cho cho giáo dục, vấn đề là sau khi điều chỉnh lại, số đất này có thể bị chuyển sang làm nhà ở. "Có thực tế là quy hoạch đã điều chỉnh xong nhưng khi có nhà đầu tư vào lại đề nghị điều chỉnh chiếm cả quỹ đất giáo dục, đến lúc cần đất cho xây trường lại phải ngửa tay xin, lại nói 5 năm nữa mới đưa được vào quy hoạch", ông Võ đặt vấn đề.
Theo ông Võ, chính quá trình điều chỉnh đã làm mất đi quy hoạch gốc, do đó để giải quyết vấn này, Nhà nước cần chính sách nhất quán trong xã hội hóa giáo dục và giao cho tư nhân làm, từ đó sẽ giảm chi cho ngân sách rất lớn.
"Hệ thống giáo dục của Việt Nam nên chuyển dần sang tư thục, không nên hạn chế trường tư, nhà nước chỉ bỏ tiền để hỗ trợ giáo dục cho người nghèo. Tuy nhiên, cùng với việc cho phép các trường tư thục phát triển thì nếu làm sai phải trị đến nơi đến chốn, còn làm đúng thì phải được tuyên dương", ông Võ nói.
Còn theo quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chính sách cho các trường tư thục phải được cụ thể hóa hơn nữa, đặc biệt là phân cấp rõ trách nhiệm.
"Khu đô thị đã quy hoạch mà không có đất xây trường thì chủ đầu tư và chính quyền địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm. Còn lâu nay chúng ta vẫn hòa cả làng, không ai chịu trách nhiệm cả, nên vấn đề này cứ như quả bóng đá lên đá xuống, kêu lên kêu xuống mà không ai giải quyết. Rõ ràng, chủ trương đã có, vấn đề hiện nay là cụ thể hóa và quy trách nhiệm", TS Tùng Lâm nhấn mạnh.