10:21 16/07/2008

“Hạ dần lãi suất để tránh những hệ lụy”

Từ Nguyên

Khi việc kiềm chế lạm phát đã có dấu hiệu tích cực thì lãi suất cần được điều chỉnh theo hướng ổn định và giảm dần

"Nếu tiếp tục tăng lãi suất thì các ngân hàng rất dễ phải chịu rủi ro kép".
"Nếu tiếp tục tăng lãi suất thì các ngân hàng rất dễ phải chịu rủi ro kép".
Khi việc kiềm chế lạm phát đã có dấu hiệu tích cực thì lãi suất cần được điều chỉnh theo hướng ổn định và giảm dần.

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Phó giám đốc Học viện Tài chính, trong cuộc trao đổi với VnEconomy.

Bà nói:

- Thông thường, khi nền kinh tế có lạm phát thì người ta nghĩ ngay đến một công cụ mang tính nhất thời, đó là điều chỉnh lãi suất, bao gồm lãi suất cơ bản của ngân hàng Trung ương và lãi suất huy động - cho vay của ngân hàng thương mại theo hướng tăng lên. Tác dụng của chính sách này là thu hút tiền từ lưu thông về và hạn chế tăng trưởng tín dụng.

Đến thời điểm tháng 6/2008, khi mà lãi suất đã được điều chỉnh tăng lên thì mục tiêu kiềm chế lạm phát trong một chừng mực nào đấy đã đạt được. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này là làm cho chi phí vay vốn từ ngân hàng của doanh nghiệp cũng tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Lý do là bởi, trong thời gian qua, mặc dù lãi suất liên tục tăng cao nhưng lượng vốn huy động của các ngân hàng thương mại lại tăng không đáng kể, do thu nhập của đa số dân dư thấp, trong khi không ít người cho rằng, lãi suất tăng cao đồng nghĩa với đồng Việt Nam bị mất giá nhiều hơn nên nhiều người đã rút tiền ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào vàng, USD…

Mặt khác, do doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là nhỏ và vừa và hoạt động chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, nên lãi suất tăng cao đã làm cho chi phí của nhiều doanh nghiệp cũng tăng lên khiến sản xuất, kinh doanh cầm chừng, hay nói cách khác là làm giảm đầu tư tư nhân, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho nền kinh tế trở nên xấu đi, vĩ mô tiếp tục bất ổn. Vì vậy, một khi tăng lãi suất đã bắt đầu có hiệu quả đối với kiềm chế lạm phát thì cần phải điều hành ổn định và theo xu hướng giảm dần.

Nhưng trong một bản báo cáo mới đây, các chuyên gia của Đại học Havard cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục tăng lãi suất cơ bản để tiến tới lãi suất thực dương?

Cho đến nay, vẫn có không ít ý kiến cho rằng nên tiếp tục nâng lãi suất cơ bản, tiến tới lãi suất thực dương để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân gửi tiền đồng, khuyến khích tiết kiệm và kiềm chế lạm phát. Điều nay có thể đúng ở một số nước nhưng chưa ở Việt Nam lại không hoàn toàn như vậy.

Nếu lãi suất cơ bản tiếp tục tăng sẽ làm cho lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Và khi mà lãi suất huy động tăng thì ngân hàng chỉ có thế huy động ngắn hạn, nhưng nhu cầu vốn của nền kinh tế thì không chỉ có nhu cấu vốn ngắn hạn mà còn là trung và dài hạn.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu này thì buộc ngân hàng phải lấy vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Trong trường hợp này ngân hàng sẽ chịu rủi ro kép, đó là rủi ro về kỳ hạn và rủi ro về yếu tố tiền tệ.

Rủi ro kỳ hạn là huy động ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn nên chắc chắn ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu có nhưng bất thường ở khâu huy động. Còn rủi ro về yếu tố tiền tệ, tức là ngân hàng sẽ chịu thiệt hại khi diễn biến nền kinh tế bất ổn và đồng tiền bị mất giá.

Bên cạnh đó, hiện nay đa số các ngân hàng vẫn phải chấp nhận huy động lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất trung và dài hạn bởi không một ngân hàng nào có thể lường trước được những diễn biến của nền kinh tế trong tương lai và sự biến động của đồng tiền Việt Nam theo chiều hướng nào.

Theo bà, vì sao các ngân hàng thương mại lại đang cạn đồng Việt Nam?

Thực tế này có nhiều lý do, là kết quả của cả một quá trình, do những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng quá nóng nên một số ngân hàng đã đầu tư vào các linh vực mạo hiểm như chứng khoán, bất động sản… và khi có sự biến động xảy ra nên khó thu hồi vốn.

Mặt khác, vào đầu năm nay, lạm phát Việt Nam tăng cao nên Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng rất nhiều biện pháp để thu tiền về, như tín phiếu, dự trữ bắt buộc,điều hành các công cụ tái cấp vốn, chiết khấu…nên đã hút một lượng tiền không nhỏ từ lưu thông về ngân hàng nhà nước để kiềm chế lạm phát và tăng trưởng tín dụng.

Vì vậy, các ngân hàng thương mại quản trị thanh khoản, tài khoản nợ… yếu kém thì tất yếu sẽ thiếu VND.

Theo bà, việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) mới đây quyết định hạ lãi suất liệu có tạo nên một làn sóng mới về hạ lãi suất của các ngân hàng?

BIDV hạ lãi suất là tín hiệu bước đầu để cho các ngân hàng trên cơ sở đấy để hạ lãi suất. Tuy nhiên, muốn hạ lãi suất thì còn liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó phải kiểm soát được lạm phát, cũng như tùy thuộc vào tình trạng quản trị tài sản nợ và có của từng ngân hàng.

Vì vậy, muốn có một làn sóng hạ lãi suất thì Chính phủ và các bộ ngành cần phải cùng vào cuộc để xử lý nhiều vấn đề, trong đó tiêu biểu là việc xử lý các dự án không hiệu quả, chi tiêu công… để từ đó, ngân hàng mới có thể có điều kiện để “nới” các công cụ và sản xuất cũng mới có điều kiện phát triển được.

Nhưng BIDV tuyên bố, việc hạ lãi suất cho vay này sẽ khiến ngân hàng này lỗ khoảng 300 tỷ trong năm nay. Liệu đây có là một điều bất thường đối với một ngân hàng thương mại?

Theo tôi, những năm trước, kinh doanh ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận. Trong thời gian qua, mặc dù lãi suất huy động tăng cao nhưng các ngân hàng vẫn công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm đều đạt khá.

Vì vậy, việc BIDV giảm lãi suất cũng chỉ mới là một động thái ban đầu bởi tỷ lệ giảm chưa nhiều, và rất có thể ngân hàng này đã tính toán trước mắt có thể thiệt hại đôi chút.

Nhưng theo tôi, về lâu dài, chính việc giảm lãi suất đầu ra của BIDV sẽ là động thái có lợi cho họ, bởi như vậy BIDV sẽ có cơ hội giữ chân các khách hàng truyền thống và thu hút được các khách hàng tiềm năng, qua đó sẽ mở rộng thị phần của mình. Đây là một nước cờ chiến lược của BIDV mà các ngân hàng khác cũng nên xem xét.

Có nghĩa là các ngân hàng khác cũng nên theo gương BIDV, thưa bà?

Theo tôi, khi mà các yếu tố của nền kinh tế đã có dấu hiệu ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng thì các ngân hàng cũng nên cân nhắc đến giá mua và bán vốn một cách hợp lý nhất. Còn giảm bao nhiêu, giảm như thế nào thì còn tùy thuộc vào các ngân hàng chứ không thể giống nhau được.