17:20 03/12/2015

Hai cuộc gặp quyết định chuyển giao quyền lực tại Myanmar

An Huy

Trong cùng một ngày 2/12, thủ lĩnh đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi có hai cuộc gặp quan trọng

Tổng thống Myanmar Thein Sein và chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi trong cuộc gặp vào tháng 10/2014 - Ảnh: EPA.<br>
Tổng thống Myanmar Thein Sein và chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi trong cuộc gặp vào tháng 10/2014 - Ảnh: EPA.<br>
Trong cùng một ngày 2/12, thủ lĩnh đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi có hai cuộc gặp quan trọng, lần lượt với Tổng thống sắp từ nhiệm Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing.

Đây được đánh giá là những cuộc gặp gỡ giữ vai trò quyết định đối với tiến trình chuyển giao quyền lực ở Myanmar, từ chính quyền thân quân đội của Thein Sein sang một chính phủ do Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLDP) của bà Suu Kyi thành lập. Đảng này vừa giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar mới đây.

Một cởi mở, một kín tiếng

Diễn ra hôm 2/12, cuộc gặp ông Thein Sein được tổ chức theo đề nghị của bà Suu Kyi từ cách đây vài tuần, khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử thuộc về NLDP.

Được tổ chức tại dinh tổng thống ở Naypyitaw, cuộc gặp kéo dài 45 phút - ông Ye Htut, phát ngôn viên của Tổng thống Thein Sein cho biết.

“Họ đã thảo luận về quan điểm của mỗi người về cách thực thi quá trình chuyển giao giao quyền lực ở Myanmar”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Ye Htut nói trong một cuộc họp báo tổ chức sau cuộc gặp của bà Suu Kyi với ông Thein Sein. “Cả hai bên đều có sự trao đổi tốt”.

Theo ông Ye Htut, cả ông Thein Sein và bà Suu Kyi đều nhất trí hợp tác để đảm bảo sự chuyển giao quyền lực êm ái trong thời gian từ nay tới tháng 3/2016, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của ông Thein Sein và Myanmar có một vị Tổng thống mới.

Chính phủ hiện tại của Myanmar đã “cam kết đầy đủ” rằng sự chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra đúng kế hoạch - vẫn phát ngôn viên Ye Htut cho biết.

Vào cuối giờ chiều ngày 2/12, bà Suu Kyi tiếp tục có cuộc gặp quan trọng với Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, người mà sự hợp tác sẽ có vai trò rất lớn trong việc bà có điều hành chính phủ mới hiệu quả được hay không.

Thế nhưng, trái với việc công bố thông tin khá cởi mở về cuộc gặp giữa bà Suu Kyi và ông Thein Sein, cuộc gặp giữa bà Suu Kyi và ông Min Aung Hlaing rất kín tiếng.

Sang ngày 3/12, hầu như vẫn chưa có thông tin nào cụ thể được công bố. “Vào thời điểm này, chúng tôi phải rất hạn chế nói về cuộc gặp”, ông Win Htein, một thành viên cấp cao của NLDP nói với phóng viên Reuters khi được hỏi bà Suu Kying và ông Min Aung Hlaing đã bàn những gì.

“Chúng tôi đã chiến đấu suốt hơn 27 năm để đạt tới giai đoạn này. Chúng tôi liên tục, liên tục đề nghị có một cuộc đối thoại. Với những gì diễn ra hôm qua, mong muốn của chúng tôi đã được đáp ứng”, ông Win Htein nói, và tuyên bố đã được yêu cầu giữ bí mật về cuộc họp.

Dân chủ trên nền quân đội

Dù đảng của bà Suu Kyi thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày 8/11, giành đủ phiếu để kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Myanmar, bà vẫn sẽ không thể sửa đổi những điều khoản quan trọng trong Hiến pháp do quân đội nước này soạn thảo.

Theo Hiến pháp này, bà Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống Myanmar, bởi một điều khoản quy định không cho phép bất kỳ ai có thân nhân là người nước ngoài nắm giữ vị trí đó. Bà Suu Kyi kết hôn với một người Anh và có hai con trai mang quốc tịch Anh.

Với 1/4 số ghế được đảm bảo trong Quốc hội, quân đội Myanmar có quyền phủ quyết bất kỳ sự sửa đổi Hiến pháp nào, bởi việc sửa đổi đòi hỏi phải nhận được sử ủng hộ của hơn 75% số nghị sỹ.

Chưa kể, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar còn có quyền chọn những bộ trưởng chủ chốt, bao gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Các vấn đề biên giới.

Phát ngôn viên Ye Htut cho hay, vấn đề quy định hiến pháp liên quan tới việc bà Suu Kyi có thể và nên được trở thành Tổng thống hay không sau khi đảng của bà giành đa số ghế trong Quốc hội đã không được đưa ra trong cuộc gặp giữa bà với ông Thein Sein.

Cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới gây nhiều lo ngại ở Myanmar, bởi nhiều người vẫn chưa quên cuộc bầu cử hồi năm 1990 - khi đảng của bà Suu Kyi cũng giành thắng lợi áp đảo. Quân đội Myanmar thời điểm đó đã phớt lờ kết quả bầu cử và tiếp tục nắm giữ quyền lực, đồng thời đưa bà Suu Kyi vào quản thúc tại gia. Nhiều nhân vật thân tín của bà cũng bị bỏ tù hàng chục năm.

Từ năm 2011, quân đội Myanmar đã thôi chính thức điều hành đất nước và trao quyền lực cho một chính phủ dân sự trên danh nghĩa do ông Thein Sein, một tướng về hưu, đứng đầu.

Sau cuộc bầu cử vừa qua, quân đội Myanmar liên tục hứa sẽ tôn trọng kết quả bỏ phiếu và nói sẵn sàng hợp tác với bà Suu Kyi. Tuy nhiên, quân đội cũng phát tín hiệu sẽ không cho phép thay đổi Hiến pháp, đặt ra những nguy cơ mâu thuẫn giữa một bên là chính phủ sắp được thành lập và một bên là quân đội vẫn rất quyền lực.

Chính phủ mới do NLDP dẫn đầu sẽ nhận ghế trong Quốc hội Myanmar sau ngày 31/1/2016 và sẽ chọn ra một Tổng thống mới trước tháng 3. Trong khi đó, bà Suu Kyi nói, dù ai được chọn làm Tổng thống, thì bà vẫn là người điều hành thực sự và “đứng trên Tổng thống”.