17:18 13/10/2015

Hai hãng bia lớn nhất thế giới sáp nhập

Thu An

Thương vụ sáp nhập giữa hai hãng bia lớn nhất thế giới này sẽ tạo ra một hãng bia nắm tới 30% thị phần bia toàn cầu

Luật chống độc quyền có thể là rào cản của vụ thâu tóm này. Tuy nhiên vấn đề có thể được giải quyết bằng cách sau khi có được SAB Miller, AB InBev bán đi số cổ phần mà SAB Miller đang sở hữu tại một số công ty khác - Ảnh: LA Times.
Luật chống độc quyền có thể là rào cản của vụ thâu tóm này. Tuy nhiên vấn đề có thể được giải quyết bằng cách sau khi có được SAB Miller, AB InBev bán đi số cổ phần mà SAB Miller đang sở hữu tại một số công ty khác - Ảnh: LA Times.
Sau 5 lần đàm phán và nhiều tháng chờ đợi, hãng bia Anheuser-Busch InBev lớn nhất thế giới đã chấp thuận bỏ ra 68 tỷ Bảng Anh, tương đương 104 tỷ USD để mua hãng bia SAB Miller.

Mức giá mua này tương đương với việc Anheuser-Busch InBev trả giá 44 Bảng cho 1 cổ phiếu của SAB Miller, gấp rưỡi mức giá đóng cửa của cổ phiếu này phiên gần nhất, theo thông tin từ Reuters.

Thương vụ sáp nhập giữa hai hãng bia lớn nhất thế giới này sẽ tạo ra một hãng bia nắm tới 30% tổng thị phần bia toàn cầu. Giá trị của vụ thâu tóm doanh nghiệp này lớn thứ 3 trong lịch sử doanh nghiệp toàn thế giới.

AB InBev và SAB Miller là hai hãng bia lớn nhất thế giới hiện nay. AB InBev đang là chủ sở hữu của 200 thương hiệu bia, nổi tiếng nhất trong số này bao gồm Budweiser, Stella Artois và Corona. Đối với SAB Miller, hai thương hiệu bia nổi tiếng nhất là Peroni và Grolsch. Những tháng gần đây, cổ phiếu của SABMiller giảm đến 20%.

Sau thương vụ thâu tóm mới, AB InBev có thêm nhiều nhà máy bia cũng như hệ thống phân phối bia tại châu Mỹ Latinh và châu Á và đồng thời lần đầu tiên hãng cũng sẽ đặt chân vào thị trường châu Phi. SAB Miller có đến 1/3 lợi nhuận đến từ thị trường châu Phi nhờ sự hiện diện tại châu lục này từ nhiều năm qua.

Nhu cầu tiêu thụ bia tại thị trường châu Phi được dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới bởi tầng lớp trung lưu đang trở nên ngày một giàu có hơn và muốn sử dụng loại sản phẩm chất lượng cao hơn.

Tại các thị trường tiêu thụ bia truyền thống như Tây Âu và Bắc Mỹ, lượng tiêu thụ bia đã giảm đều đặn trong 2 thập kỷ qua, đồng thời thị hiếu của người tiêu dùng các thị trường này đang thay đổi. Thị phần của AB InBev đến năm 2014 chỉ còn 45%, giảm 5% so với 5 năm trước đó.

Luật chống độc quyền có thể là rào cản của vụ thâu tóm này. Tuy nhiên vấn đề có thể được giải quyết bằng cách sau khi có được SAB Miller, AB InBev bán đi số cổ phần mà SAB Miller đang sở hữu tại một số công ty khác.

AB InBev công bố các cổ đông của SABMiller sẽ vẫn tiếp tục được nhận cổ tức ở một mức độ nhất định cho đến tháng 3/2016. AB InBev được điều hành bởi một nhóm nhà đầu tư người Brazil. Trước đó hãng đã thâu tóm thành công Burger King, Heinz và Kraft Foods.