Hai lần chất vấn Thủ tướng về tình trạng cử nhân thất nghiệp
Giải pháp căn cơ để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học
Ngày 29/2, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hải (Nghệ An).
Đại biểu Hải nói rõ đây là chất vấn lại, vì vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học, bà đã chất vấn Thủ tướng từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13, nhưng đến nay vẫn chưa có những giải pháp căn cơ để giải quyết.
Tính đến quý 2/2015, cả nước có 387.000 sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm, bà Hải nêu con số cụ thể.
Theo đại biểu Hải thì nhiều cử tri bức xúc, thường xuyên kiến nghị về việc mất cân đối nguồn nhân lực, lãng phí chất xám, tiền bạc, dẫn đến tiêu cực, đói nghèo.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ chính sách chung của Nhà nước về vấn đề này, công tác dự báo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ như thế nào mà để dẫn đến thực trạng trên?
Những giải pháp khắc phục trong những năm tiếp theo và 387.000 sinh viên chưa có việc làm phải giải quyết ra sao? Đại biểu Hải chất vấn người đứng đầu Chính phủ.
Văn bản trả lời của Thủ tướng khẳng định, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học nói riêng là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng, trong đó có Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015, trong đó vấn đề việc làm nói chung và việc làm của sinh viên đã tốt nghiệp luôn được chú trọng với quan điểm: bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo thông qua quy định hệ thống các tiêu chuẩn về điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo để nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên; thực hiện cơ chế đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn với thị trường lao động.
Thủ tướng cho biết, ngày 9/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, trong đó đối tượng thụ hưởng là người lao động Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên (bao gồm sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học) thông qua hai hình thức.
Một là hỗ trợ thanh niên lập nghiệp (định hướng về nghề nghiệp; cung cấp thông tin về việc làm và nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng về tìm việc; tham gia chương trình thực tập làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức; khởi sự doanh nghiệp (cung cấp kiến thức về pháp luật, quản trị doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan đến khởi sự doanh nghiệp; cho vay ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật).
Hai là cho vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành chính sách tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động thông qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Để khắc phục tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học nhưng chưa tìm kiếm được việc làm, Thủ tướng nêu một trong những giải pháp căn cơ là phải tạo ra sự cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động.
Như vậy để sinh viên khi tham gia học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học được đào tạo chuyên môn, ngành, nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, khi ra trường có thể tìm kiếm được công việc phù hợp nhất với khả năng của mình, tránh tình trạng thất nghiệp hoặc phải làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo.
Như vậy để sinh viên khi tham gia học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học được đào tạo chuyên môn, ngành, nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, khi ra trường có thể tìm kiếm được công việc phù hợp nhất với khả năng của mình, tránh tình trạng thất nghiệp hoặc phải làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo.
Liên quan đến tình trạng thất nghiệp của 387.000 sinh viên, người đứng đầu Chính phủ cho biết, ngoài giải pháp có tính chất căn cơ nêu trên, sẽ đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho sinh viên thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm tại 63 tỉnh, thành.
Đồng thời, tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước để đưa lao động của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.