23:36 14/03/2010

Hai ngân hàng bị tố góp phần khiến Lehman Brothers phá sản

Mai Phương

JPMorgan Chase và Citigroup vừa bị một tài liệu cáo buộc chung tay gây ra sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers

Một cựu nhân viên cũ của Lehman Brothers, bên chiếc cặp in hình logo của ngân hàng đầu tư một thời danh tiếng này - Ảnh: Reuters.
Một cựu nhân viên cũ của Lehman Brothers, bên chiếc cặp in hình logo của ngân hàng đầu tư một thời danh tiếng này - Ảnh: Reuters.
Hai ngân hàng hàng đầu của Mỹ - JPMorgan Chase và Citigroup - vừa bị một tài liệu cáo buộc chung tay gây ra sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers.

Theo tờ New York Times, ngày 11/3, nhà điều tra Anton R. Valukas đã khiến Phố Wall bất ngờ khi đưa ra một báo cáo về những lý do dẫn tới vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Báo cáo cho rằng, Lehman sụp đổ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có ba nguyên nhân nổi bật là các khoản nợ địa ốc độc hại, những đòi hỏi quá đáng của hai “người hàng xóm” là JPMorgan Chase và Citigroup, và những “thủ thuật” kế toán mà chính Lehman dùng để che dấu tình trạng tài chính tồi tệ của họ.

Vào tháng 9/2008, Lehman đã “chìm xuồng” với khối tài sản 639 tỷ USD, mở ra thời kỳ leo thang của khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu.

Theo báo cáo dài 2.200 trang được nộp lên tòa án ở Manhattan, ngoài việc bị mắc kẹt bởi những khoản nợ xấu trong lĩnh vực cho vay địa ốc, Lehman còn bị đẩy vào tình trạng tê liệt thanh khoản do những đòi hỏi quá đáng của JPMorgan và Citigroup,  hai trong số những tổ chức cho vay ngắn hạn chính của Lehman. Các nhà điều tra cho rằng, khả năng thanh khoản của Lehman đã chịu tác động trực tiếp từ việc JPMorgan và Citigroup ra yêu cầu đặt cọc để đổi lấy các khoản vay.

Ngoài ra, báo cáo còn buộc tội Lehman có những hành vi sai trái làm tổn hại tới chính bản thân. Theo các điều tra viên, Lehman đã “hô biến” khoảng 50 tỷ USD tiền nợ khỏi số sách kế toán trong vòng vài tháng trước khi sụp đổ nhằm che giấu sự phụ thuộc vào các đòn bẩy tài chính.

Báo cáo cho biết, các quan chức cao cấp của Lehman và các kế toán viên của Ernst&Young làm việc cho ngân hàng này biết rõ hành động trên. Chính Richard Fuld, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Lehman, là người phê chuẩn những tài liệu kế toán này.

Những “thủ thuật” che đậy nợ nần và đánh bóng kết quả kinh doanh như vậy được nội bộ Lehman gọi là Repo 105. Được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2001, rất lâu trước khi khủng hoảng nổ ra, Repo 105 bao gồm những giao dịch nhằm dịch chuyển hàng tỷ USD khỏi sổ sách của Lehman vào thời điểm khi ngân hàng này bị các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ.

Báo cáo nhận định, ít nhất thì cựu CEO Fuld cũng mắc lỗi cẩu thả khi phê chuẩn những tài liệu như vậy. Theo báo cáo này, các quan chức của Lehman đã tham gia vào những “hành vi thao túng bảng cân đối kế toán có thể kiện ra tòa”.

Bản báo cáo đã không đưa ra kết luận nào về việc liệu lãnh đạo của Lehman vi phạm luật chứng khoán, nhưng khẳng định có đủ bằng chứng để chứng minh Lehman vi phạm luật dân sự.