10:45 22/03/2018

Hai ngày tăng 5%, giá dầu thế giới cao nhất 7 tuần

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới đang được hỗ trợ bởi nhiều nhân tố, bao gồm lo ngại về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông

Tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư dầu lửa phần nào bị hạn chế bởi thống kê cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng - Ảnh: Bloomberg/JapanTimes.
Tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư dầu lửa phần nào bị hạn chế bởi thống kê cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng - Ảnh: Bloomberg/JapanTimes.

Chỉ trong hai phiên giao dịch ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, giá dầu thô thế giới tăng thêm khoảng 3 USD/thùng, nhờ số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và những lo ngại về căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông.

Trong phiên ngày thứ Tư, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao sau tại New York tăng 1,63 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, chốt ở mức 65,17 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 2,05 USD/thùng, tương đương tăng 3%, chốt ở 69,47 USD/thùng.

So với mức giá đóng cửa của ngày thứ Hai, giá dầu WTI đã tăng khoảng 5%, đánh dấu chuỗi hai phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.

Sáng ngày thứ Năm , xu hướng tăng của giá dầu thế giới tiếp tục duy trì. Lúc hơn 8h theo giờ Việt Nam, gái dầu WTI tăng thêm 0,22 USD/thùng so với đóng cửa phiên thứ Tư, lên 65,39 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,18 USD/thùng, lên 69,95 USD/thùng.

Hãng tin Reuters cho biết, so với mức đáy thiết lập trong tháng 3 này, giá dầu WTI và Brent đều đã tăng khoảng 10%.

Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 21/3 cho thấy dự trữ dầu thô của nước này trong tuần qua giảm 2,6 triệu thùng, so với mức tăng 2,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Một thông tin hỗ trợ giá dầu nữa được đưa ra cùng ngày, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cho biết trong tháng 2 năm nay, hơn 20 quốc gia - gồm các thành viên khối này và các nước đối tác - đã cắt giảm sản lượng mạnh hơn nhiều so với mức đồng thuận. 14 thành viên OPEC, cùng Nga và một số nước khác, đang thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm giảm tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu.

Căng thẳng ở Trung Đông cũng góp phần đẩy giá dầu lên.

Cuộc gặp giữa thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington đã đặt ra khả năng Mỹ trở nên cứng rắn hơn với Iran. Tiếp vị thái tử quyền lực của Saudi Arabia tại Nhà Trắng, ông Trump mời Riyadh mua thêm vũ khí. Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS, ông Mohammed nói Saudi Arabia sẽ ngay lập tức tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân nếu Iran - đối thủ khu vực của nước này - phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong vòng 2 tháng tới, ông Trump có thể xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Tehran. Một động thái như vậy có thể gây gián động nguồn cung dầu từ Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC.

Vấn đề sản lượng dầu của Venezuela giảm đang là một nhân tố khác hỗ trợ giá dầu thế giới.

Ngoài ra, giá "vàng đen"còn được đẩy lên bởi sự xuống giá của đồng USD trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã giảm điểm khá mạnh dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm.

Mặc dù vậy, hãng tin CNBC nói rằng tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư dầu lửa phần nào bị hạn chế bởi thống kê cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng.

Theo số liệu của EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ lập kỷ lục mới 10,4 triệu thùng/ngày vào tuần trước, vượt mức khai thác của Saudi Arabia và tiến sát mức sản lượng 11 triệu thùng/ngày của Nga - nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay.