13:34 05/12/2024

Hải Phòng tiếp tục nằm trong Câu lạc bộ 100.000 tỷ

Nguyễn Hiền

Năm 2024, thành phố Hải Phòng dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng GRDP là 11,01%, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước, đứng thứ 3 sau Bắc Giang và Thanh Hóa. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số...

HĐND thành phố Hải Phòng khóa XVI khai mạc Kỳ họp thứ 21
HĐND thành phố Hải Phòng khóa XVI khai mạc Kỳ họp thứ 21

Ngày 04/12/2024, HĐND thành phố Hải Phòng khóa XVI đã khai mạc Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, kinh tế - xã hội Hải Phòng vẫn giữ vững đà tăng trưởng, đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác; một số chỉ tiêu kinh tế tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Vị thế, uy tín và vai trò của Hải Phòng trên cả nước và quốc tế ngày càng được tăng cường, nâng cao.

Cụ thể, năm 2024, thành phố Hải Phòng dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng GRDP là 11,01%, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước,  đứng thứ 3 sau Bắc Giang và Thanh Hóa. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; đặc biệt, thu nội địa vượt hơn 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch; Tổng thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đạt 4,7 tỷ USD, tăng 2,35 lần so với kế hoạch đề ra, trở thành điểm sáng thu hút FDI của cả nước.

Năm 2024, Hải Phòng tiếp tục lọt vào danh sách Câu lạc bộ thu ngân sách trên 100 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch, đạt 111,8% dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 48.255,3 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 60.000 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Hải Phòng năm 2024 ước đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023; Sản lượng hàng qua cảng ước đạt 190 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch; Giải ngân vốn đầu tư công đạt 76% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Các chỉ tiêu về Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút khách du lịch,… đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ghi nhận những thành tựu mà thành phố đã đạt được trong năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng trân trọng, Bí thư Thành ủy thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải lưu ý, khắc phục trong năm 2025, đó là: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, đây là hạn chế rất lớn gây cản trở sự phát triển chung của thành phố; Thu ngân sách trên địa bàn thành phố vẫn là một trong các chỉ tiêu có khả năng rất cao không hoàn thành Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố.

Mặc dù hầu hết các nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm đã được triển khai đúng tiến độ, song vẫn còn một số ít nhiệm vụ đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, như: đầu tư điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ; xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao; xử lý nhà máy nước mini; Xuất hiện một số biểu hiện của sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện công vụ và phục vụ nhân dân ở một số cán bộ, đảng viên,…

Năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu thu ngân sách trên địa bàn đạt 117.379,3 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 240.000 tỷ đồng; thu hút 4,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài,… Thành phố sẽ lựa chọn phương án tăng trưởng cao, phương án thấp nhất phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13,5%.

Bên cạnh đó, toàn hệ thống chính trị tập trung cho công tác tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế. Hải Phòng quyết tâm gương mẫu, đi đầu, phải làm mạnh mẽ hơn Trung ương, quyết liệt trước tiến độ Trung ương đề ra.

Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cao của giai đoạn 2026 - 2030 như đã thống nhất, trong năm 2025, Hải Phòng cần hoàn thành một số nhiệm vụ là điều kiện cơ bản, là nền tảng vững chắc cho giai đoạn sau phát triển bứt phá, tập trung vào một số việc quan trọng, bao gồm:

Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; Đẩy nhanh tiến độ thành lập các Khu công nghiệp đang vướng mắc về thủ tục, kéo dài qua nhiều năm chưa hoàn thành.

Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung 323, hoàn thành trong năm 2025, nhằm đón đầu định hướng phát triển trong tương lai như các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Móng Cái - Hải Phòng; Nghiên cứu, quy hoạch mạng lưới giao thông ngầm để giành quỹ đất dự trữ, sẵn sàng đầu tư trong tương lai; quy hoạch các vị trí có thể lấn biển tạo không gian phát triển mới; quy hoạch các vị trí phù hợp để Hải Phòng trở thành trung tâm năng lượng; Thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới, hoàn thành trong năm 2025.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có thể hoàn thành tiến độ dự án Đường bộ cao tốc ven biển để khai thông động lực tăng trưởng cho Khu kinh tế phía Nam Thành phố; Khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm khởi công xây dựng các dự án: Cầu Tân vũ - Lạch Huyện 2; Cảng Nam Đồ Sơn; Ga hành khách và sân đỗ máy bay Sân bay Cát Bi; Xây dựng Đề án chuyển đổi xanh Thành phố Hải Phòng.

Theo ông Lê Tiến Châu, đây là thời điểm đặc biệt quan trọng khi Hải Phòng bước vào năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị các Sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục bám sát, tập trung cao độ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt tại Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; Khi xây dựng chỉ tiêu Đại hội Đảng phải thảo luận kỹ lưỡng, đề xuất phương án tăng trưởng cao với tinh thần chiến đấu cao nhất theo tinh thần chung của thành phố.