07:46 05/12/2024

Chuyển đổi cảng xanh hướng đến phát triển bền vững

Anh Khuê

Việt Nam vẫn còn chậm trong chuyển đổi xanh và quá nhiều việc phải làm trước mắt. Vấn đề đặt ra là phải chuyển đổi nhanh hơn nếu không muốn đánh mất cơ hội phát triển, thậm chí thụt lùi bởi không có “tàu xanh” nào muốn đến “cảng không xanh”...

Phát triển cảng xanh là xu thế tất yếu hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Phát triển cảng xanh là xu thế tất yếu hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang đã đưa ra nhận định trên tại tọa đàm “Cảng xanh hướng đến phát triển bền vững, vươn ra biển lớn” do Báo Giao Thông và Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức ở TP.HCM ngày 04/12.

CẢNG XANH LÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN CHUNG

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg, hệ thống cảng biển Việt Nam được chia thành 5 nhóm với 34 cảng.

Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, ngành đang có rất nhiều thuận lợi, tăng trưởng hàng hóa tại cảng biển Việt Nam mỗi năm đều ở mức hai con số, được đánh giá là một mức tăng trưởng tốt. Nguồn đầu tư về cảng và hàng hải đang đổ dồn vào Việt Nam, tạo cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển lớn. Trong xu thế phát triển chung, Việt Nam phải chọn hướng phát triển để bảo đảm xanh, sạch và bền vững.

 
Lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết hiện nay các cảng lớn đã từng bước chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, việc xây dựng các nghị định và khung pháp lý sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ để doanh nghiệp tự tin thực hiện chuyển đổi. Khi đã có tiêu chí xanh, có các đơn vị đánh giá xanh thì sau này sẽ sử dụng để đưa ra khung giá, tạo nguồn thu cho các cảng xanh.

Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu; các cam kết tại COP26 đưa phát thải khí nhà kính về bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Chính phủ cũng đề ra hàng loạt đề án, kế hoạch hành động, tiêu chí và lộ trình thực hiện đối với các đơn vị, doanh nghiệp như kiểm kê khí nhà kính, phát triển thị trường tín chỉ carbon, cam kết không xây nhà máy điện than mới,…

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Trong đó, ngành hàng hải là một trong những đơn vị quyết liệt trong việc thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến Net Zero vào năm 2050.

Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, từ tháng 6/2021, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Quyết định số 710/QĐ-CHHVN về kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Trong đó đưa ra 6 nhóm tiêu chí đánh giá mức độ đạt cảng xanh tại các cảng cùng lộ trình thực hiện từng năm, từ sự tự nguyện của các cảng, đến bắt buộc sau năm 2030.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp cảng biển đã triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh như: Tân Cảng Cát Lái, Tân Cảng Cái Mép- Thị Vải, Gemadept Dung Quất, cảng Đà Nẵng, cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), cảng Nam Đình Vũ,...

Các cảng biển lớn và mới đầu tư đã được trang bị các thiết bị, phương tiện bốc xếp hàng hóa hiện đại, tự động, sử dụng điện giúp giảm thiểu chi phí lao động, tăng năng suất và cải thiện hiệu quả công việc và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Trong số đó, nhiều cảng đã có những bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi cảng xanh.

NHƯNG THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ

Chia sẻ về tiến trình chuyển đổi xanh, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Ban chỉ đạo cảng xanh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết Tân Cảng bước vào chuyển đổi xanh với góc nhìn rất “đời thường”, và được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 2009, tất cả các hoạt động xuất phát từ nhu cầu và lợi ích thực tế nhằm tiết kiệm chi phí; đã chuyển đổi từ sử dụng dầu diezel qua 100% dùng điện, đã giúp chi phí hàng năm giảm từ 200 tỷ đồng xuống còn 66 tỷ đồng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đào Trang
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đào Trang

Giai đoạn 2, công ty tiến hành chuyển đổi qua sử dụng pin năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo và là một thách thức lớn.

"Chúng tôi đã đi nước ngoài để học hỏi công nghệ sử dụng năng lượng sạch nhưng chi phí rất lớn, gấp 2- 3 lần chi phí bình thường". Ông Tuấn lấy ví dụ, một chiếc xe giá 6 tỷ đồng, có tới 2,8 tỷ là tiền pin; để giảm chi phí, cần hợp tác sản xuất pin điện quy mô lớn và cần nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Đây là một rào cản không nhỏ!

Đề cập giải pháp toàn cầu cho giảm phát thải CO₂ trong ngành hàng hải, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) thông tin: Chương trình “The Climate Pledge” (Cam kết thân thiện với khí hậu) do Amazon đồng sáng lập là một cam kết của các công ty hàng đầu thế giới ở nhiều ngành nghề nhằm đạt phát thải khí hiệu ứng nhà kính bằng 0 vào năm 2040.

Theo ông Kỳ, mục tiêu của chương trình là đạt được tình trạng không phát thải carbon trước 10 năm so với Hiệp định Paris, tức vào năm 2040 thay vì năm 2050. Tác động toàn cầu là kết quả của nỗ lực chung từ các thành viên, được ước tính có thể tránh phát thải hơn 2,5 tỷ tấn CO₂ mỗi năm, tương đương khoảng 1/3 lượng carbon được hấp thụ mỗi năm bởi tất cả các cánh rừng trên toàn cầu.

Trong khi đó, để phát triển cảng xanh hướng đến phát triển bền vững và vươn ra biển lớn, TS. Hoàng Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng- kỹ thuật biển (Portcoast), nhấn mạnh: "đối với cảng xanh, công nghệ chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Portcoast đã triển khai nhiều ứng dụng hỗ trợ lớn trong quá trình chuyển đổi số".

Ông nêu ví dụ về việc số hóa toàn bộ 20 km tại một cảng ở Bà Rịa- Vũng Tàu cho phép kiểm soát về hình học, đo vẽ kích thước, tọa độ, mô hình 3D,... Căn cứ vào đó, các đơn vị quản lý dễ dàng hơn, dùng quy trình điện tử vận hành, giảm tác động tiêu cực đến môi trường…

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng xanh, giúp vượt qua các rào cản về chi phí trong chuyển đổi năng lượng.