17:00 11/12/2023

Hạn chế tình trạng rút bảo hiểm một lần để có lương hưu khi về già

Thu Hằng

Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là việc tích lũy thời gian đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng ổn định cuộc sống khi về già...

Người dân Hà Nội được nhận lương hưu. Ảnh minh họa - Thu Hiền.
Người dân Hà Nội được nhận lương hưu. Ảnh minh họa - Thu Hiền.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lưu ý ngành bảo hiểm bám sát các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật.

Từ đó nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt tầm quan trọng của việc tích lũy thời gian đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng ổn định cuộc sống khi về già.

Đồng thời, nhân viên ngành bảo hiểm cần tư vấn đầy đủ cho người lao động khi đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cân nhắc ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi khi tiếp tục tham gia và khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Cùng với đó, ngành bảo hiểm cần bảo đảm công tác quản lý, đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu an toàn, bền vững và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần đôn đốc, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương trong việc xây dựng và thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngành cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động, người lao động tham gia và thụ hưởng đây đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội…

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 10 tháng năm 2023, cả nước đã giải quyết cho hơn 947.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia.

Cũng theo thống kê của Bộ, trong giai đoạn 2016 – 2022, đã có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nữ chiếm gần 55%; với tốc độ tăng trung bình khoảng 12,3%/năm, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia chỉ 5 – 6%.

Theo thời gian đóng, có 67% người hưởng có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% người có từ 10 năm đóng trở lên, nhóm này bình quân 41,87 tuổi. Số lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc khu vực ngoài nhà nước, chiếm trên 90%.

Xét theo vùng miền, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có số rút bảo hiểm một lần cao nhất, 2 khu vực này chiếm khoảng 60% số hưởng của cả nước.

Phần lớn người rút bảo hiểm một lần là lao động trẻ, với độ tuổi từ 20 – 40 tuổi, chiếm gần 80%. Có trên 98% người hưởng là trường hợp sau 1 năm nghỉ việc.

Để hạn chế tình trạng lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất gia tăng quyền lợi, thêm sự lựa chọn để người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đơn cử như điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm xuống 15 năm). Người lao động không rút bảo hiểm một lần sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Cùng với đó, họ cũng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động khi bị mất việc…