Hàng chục tỷ USD lợi nhuận doanh nghiệp phương Tây mắc kẹt ở Nga
Biện pháp của Nga đối với các quốc gia "không thân thiện" đã khiến một lượng lớn lợi nhuận của doanh nghiệp phương Tây không thể chuyển khỏi Nga...
Các công ty phương Tây còn hoạt động ở Nga sau khi nổ ra cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã kiếm được nhiều tỷ USD lợi nhuận kể từ đó đến nay, nhưng không thể chuyển số lợi nhuận này khỏi Nga do hạn chế của điện Kremlin nhằm vào các quốc gia “không thân thiện” - theo Financial Times.
Tờ báo dẫn số liệu từ một báo cáo của Trường Kinh tế Kiev (KSE) cho biết doanh nghiệp từ những nước như vậy chiếm 18 tỷ USD trong số 20 tỷ USD lợi nhuận mà các công ty nước ngoài ở Nga báo cáo cho năm 2022. Nhóm này cũng chiếm 199 tỷ USD trong số 217 tỷ USD doanh thu mà doanh nghiệp nước ngoài đạt được ở thị trường Nga trong năm ngoái.
“Con số lợi nhuận và doanh thu bị mắc kẹt có thể đã tăng thêm nhiều sau năm 2022, nhưng chúng tôi không thể đưa ra một đánh giá chính xác, bởi doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Nga chỉ công bố kết quả kinh doanh ở nước này theo năm”, Phó giám đốc phát triển của KSE - ông Andrii Onopriienko, tác giả của báo cáo nói trên - phát biểu.
Lợi nhuận tại Nga của các công ty từ hãng dầu lửa Anh BP cho tới ngân hàng Mỹ Citigroup đã kẹt ở Nga sau khi Moscow vào năm ngoái đưa ra lệnh cấm trả cổ tức đối với doanh nghiệp đến từ các quốc gia “không thân thiện” gồm Mỹ, Anh và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Những giao dịch như vậy vẫn có thể được nhà chức trách Nga phê chuẩn trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng cho đến nay hầu như chưa có giấy phép nào được cấp.
“Hàng chục tỷ USD lợi nhuận đang bị kẹt ở Nga, mà chẳng có cách nào rút ra được”, CEO của một công ty nước ngoài lớn có hoạt động ở Nga phát biểu. Quốc gia mà công ty này đặt trụ sở là một trong những nước bị Nga coi là “không thân thiện”.
Các con số doanh thu và lợi nhuận nói trên không chỉ phản ánh tầm quan trọng của các công ty phưng Tây đối với nền kinh tế Nga, mà còn cho thấy tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của những doanh nghiệp như vậy.
Nhiều công ty nước ngoài đã tìm cách bán chi nhánh ở Nga, nhưng bất kỳ thương vụ nào cũng đòi hỏi sự phê chuẩn của nhà chức trách Nga và chỉ có thể mang lại một mức giá bèo bọt. Mới đây, hãng thuốc lá British American Tobacco và hãng xe tải Thuỵ Điển Volvo đã công bố thoả thuận bán lại tài sản ở Nga cho đối tác Nga.
Trong số các công ty đến từ các nước “không thân thiện” còn hoạt động ở Nga, ngân hàng Raiffeisen của Australia báo lãi lớn nhất năm 2022, với khoản lợi nhuận 2 tỷ USD tại thị trường này - theo dữ liệu từ KSE. Hai công ty Mỹ Philip Morris và PepsiCo lãi tương ứng 775 triệu USD và 718 triệu USD. Hãng xe tải Scania của Thuỵ Điển đạt mức lợi nhuận 621 triệu USD tại Nga trong năm 2022, và cũng nằm trong số những công ty nước ngoài lãi lớn nhất ở Nga trước khi rút khỏi thị trường này.
Các công ty Mỹ là nhóm lãi nhiều nhất trong số các công ty phương Tây còn hoạt động ở Nga sau khi xảy ra chiến tranh, với tổng lãi đạt 4,9 tỷ USD trong năm ngoái. Tiếp theo là các công ty của Đức, Australia và Thuỵ Sỹ với tổng lãi tương ứng là 2,4 tỷ USD; 1,9 tỷ USD; và 1 tỷ USD.
Số lợi nhuận bị kẹt ở Nga làm gia tăng tổn thất mà các công ty nước ngoài phải đối mặt do cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Theo một bài báo vào tháng trước của Financial Times, các công ty châu Âu đã báo cáo bút toán giảm giá trị tài sản và thua lỗ ít nhất 100 tỷ euro tại Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra.
Công ty năng lượng Đức Wintershall năm nay đã xoá 7 tỷ euro tài sản phi tiền mặt khỏi bảng cân đối kế toán sau khi bị Nga tịch thu chi nhánh ở Nga. Trong báo cáo cổ đông hồi tháng 2, công ty này cho biết đang có 2 tỷ USD tiền lãi bị kẹt ở Nga do các biện pháp hạn chế.
Một số công ty đã tìm cách để “lách” hạn chế. Chẳng hạn vào năm ngoái, chi nhánh Nga của công ty thực phẩm Mỹ Mars đã chuyển khoảng 800 triệu USD cho công ty mẹ với lý do “bù nợ”.
Giới quan sát nói rằng các biện pháp hạn chế mà Nga áp dụng một phần do mối lo của Moscow về sự tháo chạy của dòng vốn, đặc biệt khi đồng Rúp Nga giảm giá mạnh trong những tháng gần đây. Hồi tháng 3, trước khi đồng Rúp bắt đầu giảm giá mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gợi ý nới hạn chế đối với việc trả cổ tức của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Nga. Tuy nhiên, 5 tháng sau, lệnh cấm này lại được gia hạn một cách vội vã nhằm ngăn sự sụt giá của Rúp.