09:32 24/04/2007

Hàng không đang cần “cú hích”

Minh Quang

Thị trường hàng không dân dụng Việt Nam quá nhỏ bé không chỉ so với thế giới mà cả với khu vực

Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần chủ yếu hàng không nội địa với tỷ lệ 86%, trong khi Pacific Airlines chỉ khoảng 13,9% - Ảnh: Việt Tuấn.
Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần chủ yếu hàng không nội địa với tỷ lệ 86%, trong khi Pacific Airlines chỉ khoảng 13,9% - Ảnh: Việt Tuấn.
Thị trường hàng không dân dụng Việt Nam quá nhỏ bé không chỉ so với thế giới mà cả với khu vực.

Mặc dù Luật hàng không dân dụng đã có hiệu lực từ đầu từ năm 2007 nhưng xem ra Luật chưa phát huy tác dụng để kích thị trường hàng không phát triển.

Theo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, hiện nay có khoảng 39 hãng hàng không nước ngoài và ba hãng hàng không trong nước đang khai thác thường xuyên tại thị trường Việt Nam. Năm 2006 tổng thị trường vận chuyển Việt Nam đạt xấp xỉ 12 triệu lượt khách và 264.000 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 16% và 14% so với 2005. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển gần 8 triệu lượt hành khách, trong đó 7,2 triệu lượt do Vietnam Airlines đảm trách.

Người Việt Nam sợ đi máy bay?

Mặc dù số lượng thống kê cho thấy, số lượng hành khách gia tăng với tỷ lệ hai con số ở thị trường Việt Nam nhưng số lượng khách Việt Nam sử dụng phương tiện hàng không khá ít, thay vào đó phần lớn là khách nước ngoài.

Ông Lương Hoài Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines, cho biết, bình quân khoảng 20 người dân Việt Nam mới tạo ra một lượt hành khách nội địa. Trong khi đó, con số này ở Indonesia là 10 người, Thái Lan là 5 người, còn ở Australia bình quân có 2 triệu lượt khách nội địa mỗi năm.

Tính trên tổng dân số 85 triệu dân, chỉ mới có khoảng 500.000 người Việt Nam đã từng bước chân lên máy bay, còn đại đa số người Việt Nam chưa bao giờ đi máy bay. Trong số nửa triệu người Việt Nam biết đến máy bay, có 400.000 người đi nước ngoài mỗi năm. Phải chăng người Việt Nam sợ đi máy bay?

Hiện tại ở Việt Nam có 22 sân bay trong đó có ba sân bay quốc tế là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Sân bay Nội Bài có hai đường hạ, cất cánh và hai nhà ga. Nhà ga T1 có công suất đưa đón 4 triệu lượt khách/năm với diện tích 10.000 m2. Nhà ga T2 với công suất 10 triệu khách đang trong giai đoạn lập dự án và xây dựng.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang được nâng cấp để có khả năng thông qua 15 triệu lượt khách/năm. Đây là sân bay lớn nhất Việt Nam nhưng so với một số sân bay trong khu vực thì quá nhỏ bé, chỉ bằng 1/5-1/6 khả năng tiếp nhận hàng khách và hàng hóa của Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore.

Các sân bay địa phương còn lại có qui mô nhỏ, nhiều sân bay chưa có khả năng phục vụ các chuyến bay đêm, chưa tiếp nhận được các máy bay thân hẹp như Airbus A320, Boeing B737...

Thị trường hàng không dân dụng Việt Nam có ba hãng khai thác là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco. Mặc dù là ba hãng nhưng Vasco là hãng hàng không “con” của Vietnam Airlines, do đó chỉ có hai hãng hàng không cạnh tranh với nhau. Mặc dù là cạnh tranh, nhưng Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần chủ yếu hàng không nội địa với tỷ lệ 86%, trong khi Pacific Airlines chỉ khoảng 13,9%.

Phát triển hàng không giá rẻ?


Không phải người Việt Nam sợ đi máy bay mà là vì chi phí cho một chuyến bay đối với người dân nói chung còn quá cao, bên cạnh những đường bay mở không nhiều và chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách nội địa.

Những chuyến bay gần còn quá ít, không có nhiều lựa chọn cho hành khách Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng để phát triển thị trường hàng không dân dụng Việt Nam, cần tạo ra một môi trường tự do cạnh tranh hơn nữa trong ngành hàng không.

Cùng với đó, phát triển hàng không nội địa nên bắt đầu từ loại hàng không giá rẻ vì chi phí đầu tư thấp và đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên làm được những điều này không phải là dễ.

Luật Hàng không dân dụng 2006 cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh từ việc cung cấp dịch vụ hàng không đến kinh doanh vận chuyển và xây dựng sân bay. Vận chuyển hàng không nội địa là một trong lĩnh vực được nhà nước bảo hộ và đây là loại hình kinh doanh có điều kiện. Tham gia vào khu vực này phải được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Luật Hàng không dân dụng 2006 được cho là cởi mở nhất từ trước đến nay có hiệu lực từ đầu năm 2007, thế nhưng những gì được cho là cởi mở vẫn còn là văn bản luật. Cho đến nay những văn bản dưới luật, những nghị định liên quan vẫn còn là dự thảo.

Ông Phan Trung Lý, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết để Luật hàng không dân dụng đi vào thực tiễn phải cần đến ít nhất 16 văn bản hướng dẫn, trong đó có pháp lệnh, nghị định của Chính phủ và các quyết định liên quan của các bộ. “Tuy nhiên cho đến nay các pháp lệnh và các nghị định cũng như hơn một nửa các quyết định đang trong thời gian chuẩn bị”, ông Lý phát biểu.

Ông Lý cho biết thêm Quốc hội đang yêu cầu Chính phủ nhanh chóng hoàn thành các dự thảo và ban hành kịp thời các văn bản liên quan bởi lẽ Luật hàng không dân dụng 2006 là cơ sở để tự do hóa thương mại trong ngành hàng không, sẽ thu hút những nhà đầu tư tham gia phát triển ngành hàng không từ dịch vụ đến cơ sở hạ tầng.

Chưa có hướng dẫn cụ thể không chỉ gây khó khăn cho những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường này mà ngay cả công ty đang khai thác cũng phải kêu ca. Ông Lương Hoài Nam của Pacific Airlines cho biết, hãng không thể tiếp cận nguồn quỹ đất đai để triển khai các dự án kinh doanh của công ty vì không biết phải theo hình thức nào. Theo ông Nam những văn bản hiện hành không có qui định về việc thuê đất hay giao đất cho công ty cổ phần như Pacific Airlines.

Hãng hàng không giá rẻ đầu tiên này của Việt Nam có kế hoạch phát triển kinh doanh dịch vụ mặt đất bên cạnh khai thác dịch vụ vận chuyển trên không. Hãng đánh giá đây là một trong những phương cách kinh doanh nhằm tăng tính hiệu quả của một hãng hàng không.

Sự tham gia của các nhà đầu tư mới trong khu vực hàng không nội địa được nói đến mô hình hàng không giá rẻ. Những mô hình giá rẻ phát triển phải đi kèm với những cơ sở hạ tầng thuộc loại giá rẻ trong đó có sân bay giá rẻ và nhà ga giá rẻ, loại sân bay và nhà ga xuất hiện ở các nước cùng với các hãng chi phí thấp.