12:56 30/10/2020

Hàng không nội địa khó phục hồi trong năm 2021

KIỀU LINH

Dự báo nhu cầu hàng không trên thế giới cũng như của Việt Nam trong vài năm nữa mới trở lại mức năm 2019 trước khi có đại dịch Covid-19 và mức tăng trưởng cũng thấp hơn trước

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nhiều số liệu thống kê từ Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy bức tranh ngành hàng không Việt Nam vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. 

VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG NỘI ĐỊA VẪN GIẢM MẠNH

Cụ thể, sản lượng điều hành bay đi đến trong tháng 10 của cả nước đạt 263 nghìn chuyến, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm 2019. Điều hành bay quá cảnh đạt 124 nghìn chuyến, giảm 67,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Lượng hành khách thông qua cảng hàng không đạt 52,8 triệu khách, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 7,1 triệu khách, giảm 79,4% so với cùng kỳ năm 2019; Khách nội địa đạt 45,7 triệu khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 25,6 triệu hành khách, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,7 triệu, giảm 81,2% so với cùng kỳ năm 2019; Khách nội địa đạt 22,9 triệu khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.

5 hãng hàng không Việt Nam bao gồm: Vietnam Airlines, ViejJet Air, Jestar Pacifics, Vasco, Bamboo Airlines khai thác tổng 15.916 chuyến bay, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, Jetstar Pacific giảm mạnh nhất, gần 70% với số chuyến bay 904 chuyến; VietJet Air giảm 61% với tổng chuyến bay khai thác 4.668 chuyến; Vietnam Airlines giảm 31% với tổng chuyến bay khai thác 7.365 chuyến.

Về vận chuyển hàng hoá, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 225 nghìn tấn, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm2019, trong đó, vận chuyển hàng hoá quốc tế 78 nghìn tấn, giảm 46,3%, vận chuyển hàng hoá nội địa 147 nghìn tấn, giảm 30,4%.

PHẢI MẤT VÀI NĂM MỚI PHỤC HỒI

Sau khi dịch được kiểm soát, các hãng hàng không Việt Nam kỳ vọng phục hồi nhờ nối các chuyến bay trong nước và quốc tế. 

Đại diện Vietnam Airlines cho rằng với đà tăng trưởng nội địa, dự kiến tổng sản lượng vận chuyển khách toàn mạng bay sẽ sớm khôi phục tương đương và vượt cùng kỳ vào cuối năm. Hãng đã đặt mục tiêu dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu tổng sản lượng vận chuyển hành khách là 14,5 triệu lượt, doanh thu đạt 40.586 tỷ đồng và mức lỗ giảm mạnh so với dự báo trong tháng 8.

Tương tự VietJet Air, Bamboo Airways cũng cho biết sản lượng khách nội địa của các hãng đã tăng trở lại.

Mặc dù vậy, theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành hàng không, quý 3 - 4 vào mùa thấp điểm du lịch nên sản lượng vận chuyển sẽ khó hồi phục về mức như những năm trước đó.

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống - một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho rằng, ngành hàng không thế giới bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và sẽ phục hồi chậm trong năm 2021 cho đến khi có vắc xin được sử dụng rộng rãi. 

Hành khách quốc tế thường chiếm tỷ lệ đáng kể trong số hành khách nội địa do đó tình hình các chuyến bay quốc tế chậm phục hồi cũng ảnh hưởng đến việc phục hồi lượng hành khách nội địa.

Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã cắt giảm nhân viên, giảm lương, giảm các chi phí khác mà phải chịu lỗ để duy trì hoạt động với hy vọng phục hồi dần khi nhu cầu hàng không nội địa tăng trở lại nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.

“Có thông tin cho rằng thị trường hàng không nội địa ở Việt Nam quý vừa qua tăng so với mức bình quân của cùng quý này năm trước. Đó là thông tin quá lạc quan mà khó tin được”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tống, ngành hàng không và ngành du lịch có thể sẽ không bao giờ phục hồi được như trước bởi các doanh nhân ở khắp nơi trên thế giới nhận ra rằng họ có thể vẫn chốt được hợp đồng thông qua ứng dụng hội họp trực tuyến từ công ty và thậm chí từ nhà.

“Do tâm lý e ngại lây bệnh khi đi lại đường hàng không và khả năng hội họp trực tuyến mà không cần phải gặp mặt nhau nên nhu cầu hàng không giảm xuống đáng kể trong tương lai ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Do đó dự báo nhu cầu hàng không trên thế giới cũng như của Việt Nam trong vài năm nữa mới trở lại mức năm 2019 trước khi có đại dịch Covid-19 và mức tăng trưởng cũng thấp hơn trước”, ông Tống khẳng định.

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 27/10 vừa nâng mức cảnh báo về sụt giảm của ngành hàng không toàn cầu năm 2021.

Cụ thể, dự báo triển vọng trước đó, IATA dự báo doanh thu năm 2021 giảm 29% so với năm 2019 tuy nhiên, sau đó đã nâng mức sụt giảm doanh thu ngành hàng không lên 46% so với năm 2019. 

Theo IATA, đại diện cho 290 hãng hàng không trên thế giới, dự báo trước đó khó trở thành hiện thực do làn sóng lây nhiễm đại dịch Covid-19 mới cũng như các biện pháp hạn chế của chính phủ các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

ATA dự báo lưu lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trong cả năm 2020 sẽ giảm 66% so với năm ngoái. Trong một thông báo, Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac nhận định quý 4/2020 sẽ cực kỳ khó khăn và có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 sẽ tốt hơn.