10:03 14/07/2008

“Hàng nhập cho tiêu dùng chưa phải là nhiều”

“Không nên nhìn vào mấy cái Maybach, Mercedes để mà nói quá lên về việc xài sang”

Máy bay của ông Đoàn Nguyên Đức.
Máy bay của ông Đoàn Nguyên Đức.
“Không nên nhìn vào mấy cái Maybach, Mercedes để mà nói quá lên về việc xài sang”. TS. Nguyễn Đức Kiên, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói về cơ cấu nhập siêu trong 6 tháng đầu năm.

Ông suy nghĩ thế nào về số hàng hóa được nhập về phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong mấy tháng qua?

Nếu tính tỷ lệ hàng nhập khẩu theo diện hàng hóa tiêu dùng mới chỉ chiếm có 6%/ tổng số hàng hóa chúng ta đã nhập khẩu. Trong đó bao gồm tất cả từ cây kim, hộp ômai, bát đĩa, thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm cho tới cả ôtô.

Nếu trong nửa đầu năm số tiền đã bỏ ra cho việc nhập khẩu ước vào cỡ hơn 30 tỷ USD thì cứ nhân ra sẽ thấy, chúng ta chỉ phải chi có 1,8 tỷ USD cho con số 6% này thôi. Như vậy hàng nhập cho tiêu dùng chưa phải là nhiều.

Vậy sao vừa rồi nhiều người, trong đó có cả một số tờ đã lên tiếng về việc dân ta xài sang, tiêu pha như người Hồng Kông, Singapore...?

Có thể họ đã nói hơi quá lên. Tôi cho rằng, những người phát biểu như vậy là nói theo cảm tính, họ đâu có đưa ra số liệu dẫn chứng nào cho thấy việc tiêu xài sang.

Khi nói về việc xài sang, tôi cho rằng cần phải nhìn điều đó trong toàn cảnh nền kinh tế dưới góc độ kinh tế thị trường chứ không nên nhìn nền kinh tế với cái nhìn thời kế hoạch hóa với tư tưởng đóng cửa được. Và tôi cũng chưa thấy ai tuyên bố là người dân không được dùng bát đĩa ngoại, mặc đồ ngoại…

Thưa ông, chuyện quần áo này có giống chuyện ôtô nhập không? Vì hiện nay, khi có nhiều ôtô hạng sang vừa được nhập về, thì một số luồng thông tin, kể cả một số tờ báo cũng lên tiếng ám chỉ trong bối cảnh này không nên xài sang như thế?

Tôi cho rằng ai đó đã kêu như vậy là không đúng. Họ đã có cái nhìn rất lỗi thời.

Tôi chưa thấy ai phê phán Đoàn Nguyên Đức đi mua máy bay về xài riêng cả. Ngược lại nhiều người coi đó là tấm gương.

Việt Nam đã là thành viên của WTO rồi. Mọi cái đều phải bình đẳng và càng phải tôn trọng nhu cầu sử dụng của người dân với một điều kiện người ta không được làm những gì pháp luật không cho phép.

Còn nếu người ta làm những việc mà pháp luật cho phép thì đương nhiên là có quyền rồi. Quan trọng là ở cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng của từng cá nhân.

Quay lại chuyện nhập ôtô. Tôi cho rằng nên ủng hộ. Vì người nhập ôtô về phải thực hiện trách nhiệm đóng thuế. Còn về phía nhà quản lý, nếu không muốn nhập quá nhiều ôtô thì quản lý bằng thuế trước bạ, phí lưu thông, phí sử dụng diện tích tĩnh…

Phải chăng lỗi ở đây là việc các nhà sản xuất trong nước đã không làm ra được bát đĩa đẹp, ôtô sang… theo kịp những nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng?

Khả năng cạnh tranh của hàng hóa “made in Vietnam” còn rất yếu. Họ chưa làm được thương hiệu.

Dường như ông khá bình tĩnh với chuyện nhập siêu của Việt Nam trong 6 tháng qua và coi đó cũng là chuyện hết sức bình thường?

Tôi cho rằng, trong một nền kinh tế đang thực hiện công nghiệp hóa, nhập siêu là chuyện tất yếu. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là chúng ta nhập để làm gì. Cái mà chúng ta muốn nói ở đây là ở cơ cấu nhập siêu.

Ví dụ việc chúng ta nhập siêu cho nhà máy điện đạm Cà Mau hơn 600 triệu USD. Việc nhập này là quá tốt, rất nên làm. Việc nhập siêu này được rải ra trong 3 năm.

Trong chuyện nhập siêu, điều cần phải quan tâm là ở chỗ cơ cấu nhập siêu, lộ trình nhập siêu như thế nào để mà cân đối lại thị trường, cân đối lại khả năng tài chính.

Nếu chúng ta tính toán được, điều tiết được nhập siêu có nghĩa nền kinh tế vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Và khi mà nền kinh tế vẫn nằm trong tầm kiểm soát thì hãy bình tĩnh mà nói rằng nền kinh tế của ta vẫn tốt.

Vậy theo ông, điều cần phải lo lắng trong cơ cấu hàng nhập khẩu hiện nay là ở chỗ nào?

Ví dụ trong việc nhập điều. Khi nhập về, các doanh nghiệp đều nói là cần phải nhập về để chế biến, rồi tái xuất. Nhà nước đang khuyến khích nhưng với điều kiện khi nhập về rồi bán ra, doanh nghiệp phải tự cân đối được ngoại tệ, chứ không thể lại yêu cầu ngân hàng phải hỗ trợ này nọ. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, đối với xã hội là ở chỗ đó.

Còn những mặt hàng như máy tính, linh kiện điện tử thì buộc phải chấp nhận nhập siêu một phần để đáp ứng cho mục tiêu thế hệ mới, con em của chúng ta phát triển, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa làm được.

Một câu chuyện khác nữa là việc một doanh nghiệp đi nhập một nhà máy cán thép về, công nghệ của những năm 60-70 thế kỷ trước, vừa tốn nhiên liệu, hiệu quả kém và nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Phần đông những doanh nghiệp này lại không phải là khu vực doanh nghiệp nhà nước mà lại phổ biến ở những thành phần kinh tế khác. Đây mới là cái nhập đáng phải lên án, phải phê phán.

Không phải tiền của anh bỏ ra mà tôi không nói, với trách nhiệm của xã hội thì những quyết định của anh không được gây tác hại ngược với xã hội. Vì nếu anh làm ô nhiễm môi trường thì nhà nước lại phải bỏ tiền ra khắc phục, mà tiền đó dĩ nhiên phải lấy ở thuế. Như vậy vô hình chung anh đã bóc lột các doanh nghiệp khác cho lợi nhuận của anh.

Ngoài việc không nhập siêu máy móc công nghiệp lỗi thời… thì còn những mặt hàng nào chúng ta cũng cần hạn chế nhập siêu trong bối cảnh lạm phát hiện nay?

Chúng ta nhập cho ai. Nhập hay không nhập là do dân. Nếu người dân chấp nhận hy sinh thì tôi tin là Chính phủ có thể vô tư không nhập trong vòng 2 năm.

Nhưng nếu người dân không chấp nhận thì dù Chính phủ có cấm thì người ta cũng tìm cách để nhập về. Ví dụ bằng đường xách tay, đường tiểu ngạch…

Sắp tới Việt Nam sẽ phải nhập khẩu một số nguyên liệu từng là thế mạnh của mình như than, thủy sản, theo ông nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Than chúng ta phải nhập cho cái gì và nhập ở đâu? Vấn đề là ở chỗ đó. Nhà máy nhiệt điện to đùng trong Kiên Giang, nếu không đi nhập than về thì lấy gì để sản xuất ra điện.

Nhưng cái mà dân lo là phải nhập than sẽ khiến giá điện tăng lên?

Kinh tế thị trường thì phải chấp nhận điều đó. Vấn đề là Chính phủ phải có chiến lược lộ trình giữa giá và an sinh xã hội phải phù hợp.

(Theo VTC)