16:37 01/04/2009

Hàng Thái đang đổ vào Việt Nam

Sau hàng Trung Quốc, nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan đang đổ vào Việt Nam với tốc độ chóng mặt

Nhiều mặt hàng Thái xuất hiện khá phổ biến trên thị trường.
Nhiều mặt hàng Thái xuất hiện khá phổ biến trên thị trường.
Sau hàng Trung Quốc, nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan đang đổ vào Việt Nam với tốc độ chóng mặt.

Nhiều chuyên gia nhận định do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, hàng Thái không xuất được  vào châu Âu, Mỹ… đã tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Điều đặc biệt, người tiêu dùng Việt đón nhận hàng Thái khá cởi mở và có xu hướng dùng hàng Thái thay hàng Trung Quốc.

Chất lượng hơn hàng Trung Quốc

Chị Hồng Nhung, nhân viên văn phòng của một công ty nước ngoài, cho biết gần đây chị và đồng nghiệp tư vấn nhau chuyển qua sử dụng một số sản phẩm chất tẩy rửa của Thái như bột giặt, nước xả vải vì mùi hương dịu, giá lại phải chăng.

Một số loại dầu gội đầu, xà bông sản xuất tại Thái có mùi thơm và cảm giác xịn hơn hàng cùng thương hiệu sản xuất tại Việt Nam như xà bông Camay, dầu gội Pantene, mỹ phẩm Olay...

Bà Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại siêu thị Big C, cho biết xu hướng chuyển sang dùng hàng Thái bắt đầu rõ nét từ trước tết 2009. Nghi ngại về chất lượng hàng Trung Quốc, bản thân siêu thị dành ít chỗ cho hàng Trung Quốc.

Theo giới kinh doanh, phần lớn hàng tiêu dùng, thực phẩm công nghệ đi qua các cửa khẩu đường bộ, trong khi hàng giá trị cao đi bằng đường biển.

Tần suất xuất hiện của hàng Thái từ chợ đến các kệ siêu thị ngày một dày đặc. Các cửa hàng chuyên bán hàng nhập từ Thái mọc lên khá nhiều. Chủ sạp Thu Ba, chuyên kinh doanh các mặt hàng sành sứ, thủy tinh... ở chợ An Đông (quận 5, Tp.HCM), cho biết gần 90% mặt hàng thủy tinh đang bày bán tại sạp là hàng Thái Lan. Dù giá hàng Thái cao so với hàng Trung Quốc khoảng 20% nhưng chất lượng, mẫu mã hơn hẳn. Thủy tinh Thái Lan khá nhẹ, màu sắc trong lấp lánh, bền, trong khi thủy tinh Trung Quốc đục, giòn dễ vỡ…

Chợ An Đông vốn nổi tiếng là chợ đầu mối của nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng gần đây đã xuất hiện những cửa hàng chuyên bán sỉ lẻ các mặt hàng Thái Lan.

Tại gian hàng túi xách, giày dép đầy màu sắc, chủ sạp Ngọc Ánh cho biết toàn bộ hàng đều nhập từ Thái và phục vụ khách tuổi teen. Những túi xách được làm từ chất liệu không thấm nước có họa tiết nhân vật hoạt hình giá từ 150.000-190.000 đồng/cái không hề rẻ nhưng vẫn bán khá chạy, các shop lấy về khá nhiều. Thị phần hàng cho trẻ em như túi xách, dép xốp, balô Thái gần như chiếm ưu thế vì màu sắc bắt mắt, đường may sản phẩm khá chỉn chu, chắc chắn.

Nhiều chủ hàng ở chợ An Đông cho biết hàng Thái không nhiều bằng hàng Trung Quốc nhưng chất lượng hàng dạt rất ít. Mỗi tháng mới có một đợt về và muốn có hàng phải đặt trước. Vì thế dù một đôi dép xốp Thái giá cao hơn một đôi xăngđan Trung Quốc đến 40.000 đồng nhưng hàng vẫn có thị trường.

Dễ như “đánh” hàng Thái

Theo giới kinh doanh, hàng Thái vào Việt Nam khá nhiều đường và dù bằng đường nào cũng cạnh tranh được với hàng nội. Ngoài đường chính ngạch, hàng Thái xách tay mới thật sự sôi động.

“Chi phí đi Thái rất rẻ, tìm nguồn hàng không khó nên kinh doanh hàng Thái xách tay được xem như một vốn bốn lời”, N.T.K., chủ nhân của một loạt cửa hàng chuyên bán hàng Thái, cho biết. Đặc biệt nhiều mặt hàng thời trang, mỹ phẩm của Thái khá sắc sảo, giá bình dân… nên đang  chiếm lĩnh thị trường khá nhanh.

Một trong những nguyên nhân hàng Thái dễ dàng tiếp cận nữa là tại Thái Lan có những công ty chuyên nhận dịch vụ hỗ trợ thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Nghĩa là chỉ cần nhà kinh doanh gửi đơn hàng yêu cầu, công ty này sẽ lo thủ tục, tìm nguồn hàng và chi phí sẽ được trả trên đầu hàng. Chính sự hỗ trợ đặc biệt này, những người kinh doanh mới vào nghề cũng có thể dễ dàng “đánh” hàng Thái.

Khi vào thị trường Việt Nam, hàng Thái cũng được tổ chức phân phối khá chặt chẽ. Ông Nguyễn Đình Nam, giám đốc Công ty NN chuyên nhập khẩu thực phẩm ngoại, cho biết kem Wall’s Thái ngay khi trở lại Việt Nam tủ kem của thương hiệu này xuất hiện dày đặc tại các tiệm tạp hóa, chợ nhỏ lẻ, lấn át cả kem Merino của Kinh Đô. Những nhà phân phối hàng Thái đều được hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối khá tốt, đặc biệt chú trọng phát triển thị trường nông thôn.

Theo phòng số liệu của Công ty vận chuyển hàng hải MOL tại Việt Nam, hàng nhập khẩu Thái vào Việt Nam đã tăng đột biến, từ khoảng 200 container (20 tấn/container) của tháng 1/2009 đã tăng vọt  lên gần 400 container trong tháng 2/2009, chủ yếu là hàng tiêu dùng, trái cây, hàng may mặc…

Thực tế, lượng hàng nhập chính thức không đáng kể so với hàng nhập lậu. Theo Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM, trước đây hàng Thái vào Việt Nam chủ yếu qua kênh nhập lậu theo con đường biên giới các tỉnh Tây Nam, cửa khẩu các tỉnh miền Trung. Đặc biệt khủng hoảng kinh tế, hàng hóa tồn kho từ Trung Quốc, Thái Lan đổ về Việt Nam bằng con đường gian lận thương mại sẽ tăng lên.

Bởi vậy, không phải hàng Thái nào cũng đảm bảo chất lượng. Những mặt hàng được cảnh báo nhập lậu nhiều nhất là mỹ phẩm, bánh kẹo, thuốc lá, điện tử…

* Hai tháng, nhập khẩu 200 triệu USD từ Thái

Theo thống kê của Cục Hải quan Tp.HCM, giá trị nhập khẩu các mặt hàng từ Thái Lan vào Việt Nam hai tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 200 triệu USD, tương ứng với con số cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, trong bối cảnh phần lớn các mặt hàng nhập khẩu đều giảm mạnh thì giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng Thái Lan không hề suy giảm. Các nhóm hàng chiếm tỉ trọng cao là vải các loại, điện máy, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện điện tử, sau đó mới đến hàng tiêu dùng, thực phẩm...

Như Bình (Tuổi Trẻ)