09:00 07/08/2007

Hàng Trung Quốc tiếp tục thất tín với thị trường Mỹ

Lê Hường

Tuần trước, nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới của Mỹ, Mattel đã thông báo việc thu hồi 1,5 triệu đồ chơi được sản xuất ở Trung Quốc

Trung Quốc là nhà cung cấp đồ chơi hàng đầu của thế giới với thị phần 80%.
Trung Quốc là nhà cung cấp đồ chơi hàng đầu của thế giới với thị phần 80%.
Tuần trước, nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới của Mỹ, Mattel đã thông báo việc thu hồi 1,5 triệu đồ chơi được sản xuất ở Trung Quốc đang được phân phối toàn cầu, vì hàm lượng chì trong lớp sơn vượt quá mức cho phép.

Các nhà phân tích nhận xét rằng những nhà nhập khẩu đáng trách hơn những nhà cung cấp Trung Quốc vì họ đã cho phép những sản phẩm không an toàn này đặt chân đến thị trường Mỹ.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ (sau Canada) và cũng là nhà cung cấp đồ chơi hàng đầu của thế giới với thị phần 80%.

“Luật pháp của Mỹ cũng khá rõ ràng. Nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm về chất lượng và độ an toàn của hàng hóa nhập khẩu vào đất nước. Nhưng Trung Quốc hoàn toàn có thể làm được hơn thế để ngăn chặn việc xảy ra những vấn đề như vậy”, ông Erin Ennis, Phó chủ tịch, Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung nói.

Việc thu hồi không mang tính địa lý

Ông Chris Byrne, một nhà tư vấn trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi cho rằng việc thu hồi đồ chơi vừa rồi không phải là một vấn đề mang tính địa lý.

Việc các công ty có ý định chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Malaysia, Indonesia hoặc Việt Nam không đảm bảo rằng họ sẽ không gặp phải những vấn đề tương tự, vì đây là những nước vốn có cơ sở hạ tầng kém phát triển hơn Trung Quốc.

“Mattel được tin cậy là một trong những thương hiệu an toàn nhất trên thế giới”, Byrne nói “Điều này là rất nghiêm trọng vì nó có thể làm lung lay niềm tin của khách hàng dành cho thương hiệu. Không bao giờ được để xảy ra tình trạng như thế vì các ông bố bà mẹ hoàn toàn tin tưởng vào tính an toàn của đồ chơi mà các bạn đem đến cho con cái họ”.

Các nhà phân tích khác cũng nhấn mạnh rằng các công ty của Mỹ nên chịu trách nhiệm về việc giới thiệu những tiêu chuẩn kiểm tra nghiêm khắc hơn đến Trung Quốc. “Các công ty của Mỹ phải đưa người của họ đến tận nơi”, theo lời ông Sean McGowan, nhà phân tích của Công ty chứng khoán Wedbush Morgan. “Sau vụ việc này, tôi nghĩ rằng ngành công nghiệp đồ chơi sẽ phải thực hiện một hình thức giám sát mới nhất từ trước đến giờ”.

Gerrick Johnson, một chuyên gia của thị trường vốn BMO lo sợ rằng ngành công nghiệp đồ chơi sẽ còn nhiều lần phải thu hồi đồ chơi nữa nếu các công ty như Mattel, Hasbro và các công ty khác không thắt chặt các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và giám sát chặt chẽ các nhà máy của họ ở nước ngoài. “Từ báo cáo nhận được, tôi thấy các vùng sản xuất ở Trung Quốc có vẻ rất thô sơ” ông Johnson nhận xét.

Trong khi đó, bà Jules Andres, người phát ngôn của Mattel cho biết “50% hoạt động sản xuất của chúng tôi được đem “thuê ngoài” cho các nhà sản xuất thứ ba ở Trung Quốc”.

Bà Andres phân trần: “Công ty đã dừng hợp đồng với nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Chúng tôi không sở hữu, vì thế, chúng tôi không thể đóng cửa nhà máy đó được.”

Trọng tài trên sân nhà cũng lỏng lẻo

Tháng 6 vừa qua, tập đoàn RC2 cũng đã phải thu hồi 1,5 triệu đồ chơi bằng gỗ có tên “Thomas và các bạn”, được sản xuất ở Trung Quốc, vì lo ngại rằng lớp sơn bề mặt có chứa chì, và có thể có độc tố.

Theo Hiệp hội Đồ chơi (TIA), họ đã cung cấp cho những nhà sản xuất đồ chơi các tiêu chuẩn an toàn đối với tất cả các loại đồ chơi. Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSC) cũng giám sát các đồ chơi thông qua những cuộc điều tra thị trường đối với các sản phẩm sản xuất trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động vì lợi ích người tiêu dùng lại cho rằng nguồn ngân sách giới hạn đã không cho phép những cơ quan liên bang như CPSC thực hiện các cơ chế một cách đầy đủ đối với hầu hết các sản phẩm tiêu dùng.

Ngoại trừ những hướng dẫn do CPSC đề cập đến việc sử dụng những chất nguy hiểm, các cấp độ tiếng ồn, thì không có yêu cầu gì buộc các nhà sản xuất đồ chơi phải tôn trọng các tiêu chuẩn về an toàn riêng của ngành này.

“CPSC không có quyền kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi tung ra thị trường”, Rachel Weintraub, Giám đốc Nhóm tư vấn của Hiệp hội Người tiêu dùng Mỹ (CFA).

Theo ông Ennis: “Các nhà cung cấp Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất cơ hội làm ăn. Tôi nghĩ các công ty Trung Quốc sẽ phải trải qua một bài học rất khó khăn, nếu họ không có biện pháp đúng đắn đối với những vấn đề trên.”

Nhưng hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng, các nhà nhập khẩu của Mỹ chính là những người phải chịu tổn thất lớn nhất từ việc giám sát lỏng lẻo của mình đối với các nhà cung cấp nước ngoài.