Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa "nhập đường cao tốc" EVFTA bằng cách nào?
"Nếu không tham gia được vào xuất khẩu, vào chuỗi liên kết thì khu vực doanh nghiệp này chưa thực sự vào được đường cao tốc EVFTA"
"Chúng ta đang xây một con đường cao tốc là EVFTA và là nền móng để trong tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai trên con đường này sẽ có những chiếc xe tải lớn, nhưng ngay bây giờ chúng ta cần những chiếc xe nhỏ, thậm chí cả xe đạp đi trên đường đó".
Đây là ví von của ông Carsten Schittek, Tham tán công sứ, Trưởng ban kinh tế và Thương mại, EU tại tọa đàm "Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)" vừa được tổ chức.
Nhận xét về các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhìn vào khu vực doanh nghiệp này không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, chúng ta cảm giác họ quá nhỏ bé, số lượng đông nhưng không có vai trò quan trọng. Song thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới lại có giá trị gia tăng rất cao.
Cũng theo bà Thủy, những năm 90, khi nền kinh tế mở cửa, ngoài khối doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta có thêm các thành phần kinh tế như doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước. 3 khu vực này đóng góp chính cho nền kinh tế, nhưng lại rất rời rạc, không có sự gắn kết.
Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam mang theo hệ sinh thái của họ và có trình độ phát triển tương đối cao. Còn các doanh nghiệp Nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu, nên chưa có khả năng trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại có năng lực rất yếu. 65% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ rất thấp. Vốn đăng ký của khu vực doanh nghiệp này loanh quanh trên dưới chục tỷ đồng, doanh thu thấp, trình độ quản trị càng thấp. Cơ cấu xuất khẩu của cả nước trên 70% đến từ các doanh nghiệp FDI, chưa đầy 30% là của doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.
Vì thế, bà Thuỷ cho rằng, EVFTA dù tạo ra nhiều cơ hội cho khu vực doanh nghiệp này nhưng nếu không tham gia được vào xuất khẩu, vào chuỗi liên kết thì khu vực doanh nghiệp này chưa thực sự vào được đường cao tốc EVFTA.
Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định việc cần có giải pháp để hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này trong thời gian tới. Theo bà Thuỷ, đầu tiên là cần giải bài toán về cải cách thể chế trong đó quan trọng là việc gỡ bỏ các rào cản, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được chứng nhận tiêu chuẩn từ EU nhưng về Việt Nam lại đòi đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam, trong khi tiêu chuẩn của EU hỏi cao hơn rất nhiều.
"Chúng tôi đang rà soát những vấn đề này. Với những sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn cao như với thị trường EU hay thị trường tương đương thì trong nước cần giảm bớt quy định này, không cần phải đi xin lại các tiêu chuẩn Việt Nam đặt ra", bà Thuỷ cho biết.
Ông Carsten Schittek, cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng nhưng hay bị bỏ quên. EVFTA không có 1 chương riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại có những điều khoản trong hiệp định cho khu vực này.
Hiệp định cố gắng tạo điều kiện thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Chúng ta đang xây một con đường cao tốc là EVFTA và là nền móng để trong tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai trên con đường này sẽ có những chiếc xe tải lớn, nhưng ngay bây giờ chúng ta cần những chiếc xe nhỏ, thậm chí cả xe đạp đi trên đường đó", ông Carsten Schittek ví von.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn yêu cầu quá nhiều về thủ tục hành chính, đòi hỏi nhiều giấy tờ, nhiều chứng chỉ, giấy phép, văn bản do cơ quan chính phủ yêu cầu. Nếu một doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều chướng ngại vật như vậy họ sẽ rất nản. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tiến gần tới các tiêu chuẩn của EU, cần loại bỏ các rào cản, giảm bớt các tiêu chuẩn địa phương không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Bổ sung thêm, theo ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam cần có cơ chế, công cụ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lên mạnh mẽ hơn nữa. Có khung pháp lý dễ áp dụng hơn cho khu vực này, tạo ra môi trường cạnh tranh hơn cho các loại hình doanh nghiệp.
"Chính phủ hãy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tăng cường năng lực hội nhập, đáp ứng được các quy định của hiệp định như khuôn khổ pháp lý, cấp phép đầu tư - kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, đảm bảo việc ra quyết sách cần thích ứng với thông lệ quốc tế", đại sứ EU nhấn mạnh.