Hỗ trợ phái sinh, cổ phiếu trụ lại nhảy loạn
Ở thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh thì không thể nói trước bất kỳ điều gì. Khả năng thao túng chỉ số bộc lộ rõ nhất lúc đóng cửa.
Thị trường hôm qua tăng mạnh bất ngờ nên cơ hội cho phiên hôm nay tăng tiếp là khá cao, nhưng điều hơi bất lợi là diễn biến xấu trên thị trường quốc tế cũng như một số cổ phiếu lớn gặp khó khăn.
VN-Index tăng sớm ngay đầu phiên, lên khoảng 945,93 điểm (+0,61%) nhưng không thể duy trì độ cao được. Những mã quan trọng nhất – xương sống của phiên tăng hôm qua – bị chốt lời khá nhiều: TCB mở cửa tăng 2,63% nhưng tụt xuống rất nhanh, thậm chí đóng cửa may còn giữ được tham chiếu. MSN tiếp tục tăng 1,38% nhưng trong phiên chủ yếu là giảm. VHM giảm 1,27%, GAS giảm 0,27%...
Xu thế chính của thị trường phiên này là giằng co giảm dần. Buổi chiều có một nhịp phục hồi ngắn, nhưng đến cuối đợt khớp lệnh liên tục VN-Index thậm chí còn đỏ. Sự khác biệt của hôm nay là thời điểm đáo hạn phái sinh, một số mã quan trọng được kéo giá lên mạnh.
Cũng phải chú ý là các cổ phiếu được quan tâm nhất là những mã có thể thao túng VN30-Index chứ không phải VN-Index, vì mức đóng cửa của VN30-Index mới được tính là giá thanh toán. Ảnh hưởng lên VN-Index chỉ là một hiệu ứng phụ.
VIC được đẩy tăng thêm 1.500 đồng đợt ATC và chốt trên tham chiếu 2,63%. VNM không nhảy nhiều, nhưng cũng lên trên tham chiếu. VPB đang đỏ, được kéo tăng 0,21%. VCB nhảy 700 đồng, đóng cửa tăng 0,45%. FPT cũng tăng 0,39% từ tham chiếu. MWG được đẩy thêm 500 đồng, tăng 0,37% từ vùng giá đỏ. VJC được kéo 1.200 đồng, tăng 1,34%. Có thể thấy trong top 10 vốn hóa của VN30-Index, phần lớn cổ phiếu có nhảy giá cao hơn ở đợt ATC.
VN30-Index nhảy tăng gần 3 điểm ở riêng đợt ATC và chốt tại 899,2 điểm, tăng 0,79% so với tham chiếu. VN-Index nhảy 2,4 điểm, tăng 0,27%. Như vậy lại thêm một kỳ hạn nữa hợp đồng tương lai VN30 đóng cửa ở đỉnh cao nhất kỳ, nghĩa là tất cả những nhà đầu tư thực hiện Long trước và giữ đều có lãi. Cho đến hôm qua, còn 29.282 vị thế mở.
Mặc dù có chút nhiễu động và các chỉ số tăng ở cuối phiên do ảnh hưởng từ thị trường phái sinh, nhưng cơ bản hôm nay thị trường diễn biến kém thuận lợi. Phần lớn cổ phiếu giảm giá do bị xả nhiều, thậm chí các cổ phiếu rất mạnh cũng chao đảo.
TCB sau phiên kịch trần với thanh khoản khổng lồ hôm qua, hôm nay tăng sớm nhưng bị xả khá lớn khiến giá quay lui. Từ đỉnh cao nhất 23.800 đồng, tăng 4,16%, TCB rơi trở lại về tham chiếu với trên 25,3 triệu cổ nữa giao dịch, trị giá 590,5 tỷ đồng. MSN trong chuỗi phiên tăng điên cuồng, hôm nay lần đầu tiên đã không còn được kéo giá tận sức nữa. Mặc dù đóng cửa vẫn tăng 1,38% nhưng MSN cũng vẫn là trả lại thị trường khoảng 2,2% điểm tăng.
Hai cổ phiếu khác gây bất ngờ không khác gì TCB và MSN phiên trước là HPG và VIC. HPG thay thế TCB đạt mức thanh khoản cao chưa từng thấy, với hơn 30,5 triệu cổ, trị giá hơn 903 tỷ đồng. HPG xuất hiện tin kết quả kinh doanh lãi gấp đôi cùng kỳ và đây có thể là lý do giá tăng vọt 5,82% ngay khi mở cửa. Thế nhưng sau đó HPG bị xả cực lớn và đóng cửa chỉ tăng có 2,47%.
Bất ngờ ở VIC không đến mức sốc như các cổ phiếu nói trên. Tuy nhiên VIC bật tăng 2,63% lên đỉnh gần 7 tháng cũng rất ấn tượng. Thanh khoản của VIC gần 131 tỷ đồng giá trị, cũng là cao nhất gần 4 tháng nay. Lợi ích của VIC chủ yếu là ở việc nâng đỡ các chỉ số, nhất là VN30-Index vì VIC là cổ phiếu lớn thứ 3 trong chỉ số này.
Đối với thị trường chung, điều ấn tượng nhất hôm nay là thanh khoản cực lớn tính theo khớp lệnh: Giá trị hai sàn lên tới 9.376 tỷ đồng, tuy còn chưa bằng đỉnh 10.000 tỷ đồng đầu tháng 6, nhưng là kết quả của gần hai tuần lễ liên tiếp giao dịch cực lớn.
Thật sự nếu không có sự xuất hiện của VIC hôm nay thì thị trường có lẽ đã đỏ. 2,5 điểm tăng của VN-Index chính là đóng góp của VIC. Mặt khác, cổ phiếu giảm giá đã quay lại áp đảo số tăng với gần 120 mã sàn HSX giảm trên 1%. Nhóm VN30 cơ bản là tích cực khi số mã đóng cửa trên tham chiếu vẫn nhiều hơn. Thế nhưng một nửa số cổ phiếu (15 mã) cũng cho thấy sức ép từ phía bán đẩy giá trượt dốc trên 1% trong phiên.