Hoa Sen lãi liên tục 3 quý của niên độ tài chính 2018 - 2019
Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) vừa có báo cáo sơ bộ về tình hình kinh doanh hợp nhất quý 3 niên độ tài chính 2018-2019 (01/4/2019-30/6/2019)
Hoa Sen lãi liên tục 3 quý đầu của niên độ tài chính 2018 – 2019 trong bối cảnh ngành thép vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ.
Lãi lớn sau cuộc tái cơ cấu
Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) vừa có báo cáo sơ bộ về tình hình kinh doanh hợp nhất quý 3 niên độ tài chính 2018-2019 (01/4/2019-30/6/2019).
Theo đó, Hoa Sen đạt doanh thu thuần 7.228 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ của niên độ tài chính 2017-2018. Nguyên nhân được ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của việc hạn chế tín dụng vào bất động sản. Về xuất khẩu, xu hướng bảo hộ doanh nghiệp địa phương của các quốc gia trên thế giới cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp ngành tôn.
Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh hơn 50% do việc tái cấu trúc hệ thống quản lý, đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống chi nhánh theo mô hình kinh doanh tỉnh, từ 491 chi nhánh (niên độ 2017 - 2018) chuyển đổi đến ngày 16/7/2019 Hoa Sen có 55 chi nhánh tỉnh và 526 cửa hàng trực thuộc.
Sự chủ động của Hoa Sen trong việc tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu sản phẩm tập trung vào các thị trường và mặt hàng có biên lợi nhuận gộp cao đã giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen sẽ tăng gần gấp đôi.
Cụ thể, lợi nhuận thuần đạt 183 tỷ đồng, tăng 99% so với con số 92 tỷ đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 158 tỷ đồng, tăng 90% so với mức lãi 83 tỷ đồng cùng kỳ. Mức lãi này còn vượt qua cả mức lãi của 2 quý đầu niên độ gộp lại.
Sau "cơn bĩ cực" năm 2018, đây là quý thứ 3 liên tiếp có lãi của Hoa Sen trong bối cảnh toàn ngành thép vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Điều này có thể đến từ việc cắt giảm mạnh chi phí khi HSG ráo riết tái cấu trúc thời qua gần đây, đồng thời tình hình giá HRC tăng tạo thuận lợi cho Công ty cải thiện biên lợi nhuận.
Thực tế, luỹ kế 3 quý đầu của niên độ tài chính 2018 - 2019 lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen đạt hơn 270 tỷ đồng. Kết quả này của Hoa Sen là điểm sáng bối cảnh ngành thép vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ, giảm lãi lớn.
Theo Ban lãnh đạo của Hoa Sen, thời gian qua Hoa Sen đã dốc sức thực hiện công cuộc cải tổ, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, do đó các chỉ số tài chính đều cải thiện, do đó công ty lập tức có lãi lớn trở lại.
Từ đầu năm 2019, Hoa Sen đã đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống phân phối chuyển đổi từ chi nhánh thành các cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh. Cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp đã giúp Hoa Sen ghi những dấu ấn. Chi phí quản lý giảm nhờ cắt giảm chi phí nhân công quản lý.
Công ty cũng thực hiện một số biện pháp để giảm áp lực về dòng tiền và chi phí. Đơn cử Hoa Sen tập trung thanh lý các nguyên vật liệu đầu vào giá vốn cao và doanh nghiệp đang có sự dịch chuyển về quản lý hàng tồn kho ở mức hợp lý.
Mặc khác, Hoa Sen vẫn tích cực tìm kiếm thị trường, tăng trưởng doanh số xuất khẩu bất chấp việc áp thuế chống bán phá giá từ nhiều quốc gia. 4 tháng đầu năm 2019, Hoa Sen liên tục xuất khẩu các đơn hàng lớn vào các thị trường rất khó tính, đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng cũng như thời gian giao hàng.
Đồng thời, đại diện Hoa Sen khẳng định vẫn đang tích cực làm việc với các đối tác thương mại để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường tiềm năng như Úc, Mexico, Canada, Châu Âu,… nhằm tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết.
Hoa Sen còn mở rộng kinh doanh khi chính thức vận hành Nhà máy Ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của đơn vị Gimeco – Italy, công suất thiết kế đạt 85.000 tấn/năm. Đồng thời, Hoa Sen cũng khánh thành giai đoạn II nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định nâng tổng công suất nhà máy đạt 430.000 tấn/năm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất cho cả thị trường nội địa và quốc tế.
Nắm bắt cơ hội khi các quốc gia áp thuế phòng vệ thương mại
Ngày 25/6, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với tôn màu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá dành cho 3 doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Hàn Quốc từ 4,48% -19,25%, và 20 doanh nghiệp của Trung Quốc bị áp mức cao hơn rất nhiều, từ 3,45-34,27%.
Đại diện Hiệp hội thép Việt Nam đánh giá việc Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc là một quyết định rất kịp thời và đúng đắn, giúp hạn chế sản lượng nhập khẩu sản phẩm tôn thép từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian sắp tới, bởi các doanh nghiệp tôn thép Việt Nam đã phải chịu sức ép cạnh trạnh không lành mạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc thời gian qua.
Quyết định này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Nhà nước thu được thuế từ các doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính và hạn chế thất thoát thuế, tăng thu ngân sách nhà nước. Người tiêu dùng không phải bỏ tiền để mua phải hàng Trung Quốc kém chất lượng.
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn hay còn gọi là tôn mạ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mà sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Về việc này, Hoa Sen cho rằng quyết định này không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong các năm qua, Hoa Sen đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp để đáp ứng tất cả các yêu cầu của DOC và liên tục xuất khẩu các đơn hàng lớn vào Mỹ.
Đồng thời, HSG hiện chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu Việt Nam hoặc các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ không phải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ. Ngoài ra, Công ty cũng chủ động hợp tác tốt với DOC trong quá trình điều tra, thẩm tra trực tiếp tại Tâp đoàn Hoa Sen, cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra theo yêu cầu của DOC một cách minh bạch.