16:31 07/06/2017

Hồng Kông “soán ngôi” thành phố đắt đỏ nhất châu Á của Tokyo

Bình Minh

Tuy nhiên, trên toàn cầu, Hồng Kông còn “thua” một thành phố của châu Phi về độ đắt của chi phí sinh hoạt

Một góc Hồng Kông.<br>
Một góc Hồng Kông.<br>
Hồng Kông đã vượt qua Tokyo để trở thành thành phố đắt đỏ nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, trên toàn cầu, Hồng Kông còn “thua” một thành phố của châu Phi về độ đắt của chi phí sinh hoạt đối với lao động ngoại quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, đây là kết quả được đưa ra trong xếp hạng mới nhất của công ty tư vấn ECA International.

Nhờ sự giảm giá của đồng Bảng, thủ đô London của nước Anh, một thành phố nổi tiếng thế giới về độ đắt đỏ, giờ có chi phí sinh hoạt rẻ hơn so với thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Vị trí số 2 trong xếp hạng toàn cầu là vị trí cao nhất của Hồng Kông từ trước đến nay trong xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất thế giới của ECA. Thủ đô của nước Nhật vẫn duy trì vị trí số 7 trên toàn cầu, trong khi Singapore rớt xuống vị trí thứ 24. London xếp thứ 132, sau những thành phố như Bangkok, Rio de Janeiro của Brazil, hay Buenos Aires của Argentina.

Luanda, thủ đô của quốc gia nhiều dầu lửa ở châu Phi Angola, đã leo lên vị trí số 1 của xếp hạng.

“Trong vòng mấy năm qua, đồng Đôla Hồng Kông đã tăng giá mạnh so với các hầu hết các đồng tiền chủ chốt do tỷ giá đồng tiền này được neo buộc vào đồng USD. Điều này khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ ở Hồng Kông bị đẩy lên so với ở những quốc gia mà đồng tiền bị rớt giá so với USD”, ông Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của ECA, cho biết.

Giá cả hàng hóa và dịch vụ ở Singapore cũng tăng lên, nhưng đồng Đôla Singapore lại giảm giá so với các đồng tiền mạnh trong 12 tháng qua, khiến chi phí sinh hoạt đối với người nước ngoài ở Singapore lại rẻ đi so với cách đây 1 năm - theo ông Quane.

Đối với Luanda, giá hàng hóa, vốn đã cao do cơ sở hạ tầng kém phát triển, nay lại càng tăng do đồng Kwanza của nước này ngày càng có tỷ giá cao hơn so với giá trị thực.

Mỗi năm, ECA thực hiện hai cuộc khảo sát nhằm giúp các công ty tính toán mức trợ cấp sinh hoạt cho nhân viên đi công tác hoặc làm việc ở nước ngoài. ECA cho biết, các cuộc khảo sát của họ được thực hiện bằng cách so sánh các hàng hóa và dịch vụ tương đương ở hơn 460 địa điểm trên toàn thế giới. Kết quả khảo sát không bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, mua xe, học phí… - bởi đây là những khoản được theo dõi riêng.

“Phần lớn sự thay đổi vị trí giữa các thành phố ở châu Á trong 12 tháng qua đều xuất phát từ sự biến động tỷ giá. Thành phố Yangon của Myanmar xuống hạng ở khu vực do tỷ giá đồng tiền của nước này giảm trong vòng 1 năm qua”, ông Quane cho hay.

Một cuộc khảo sát được ECA công bố hồi tháng 5 cũng cho thấy giá trị của gói thù lao mà lao động nước ngoài ở Hồng Kông và Singapore nhận được trong năm ngoái cùng giảm.

Một gói lương thưởng trả cho một nhà quản lý nước ngoài bậc trung ở Hồng Kông, bao gồm lương, thuế và phúc lợi, đã giảm 2% trong 5 năm qua nếu tính theo USD, còn khoảng 265.000 USD. Gói tương tự ở Singapore giảm 6%, còn 235.500 USD.

Dưới đây là 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới theo xếp hạng mới nhất của ECA:

1. Luanda, Angola
2. Hồng Kông
3. Zurich, Thụy Sỹ
4. Geneva, Thụy Sỹ
5. Basel, Thụy Sỹ
6. Bern, Thụy Sỹ
7. Tokyo, Nhật Bản
8. Seoul, Hàn Quốc
9. Caracas, Venezuela
10. Khartoum, Sudan