00:46 11/07/2012

HSBC dự báo giá trị thương mại của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh

Thủy Diệu

Ngân hàng HSBC vừa đưa ra dự báo tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2026

Theo HSBC, lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, ước tính sẽ giảm nhẹ trong vòng năm năm tới.
Theo HSBC, lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, ước tính sẽ giảm nhẹ trong vòng năm năm tới.
Ngân hàng HSBC vừa đưa ra dự báo tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2026.

Theo HSBC, tổng giá trị thương mại của Việt Nam dự đoán sẽ tăng xấp xỉ 187% cho đến năm 2026. Mức mức tăng này gần như gấp đôi so với sự tăng trưởng thương mại toàn cầu (98%).

HSBC cũng cho rằng, tổng giá trị thương mại của Việt Nam trong khoảng thời gian 5 năm tới sẽ đạt mức tăng trưởng 8,2%, sau đó giữ cùng tốc độ đến năm 2021, trước khi tăng chậm lại như các quốc gia châu Á khác ở mức 5,3% trong giai đoạn 2022 - 2026.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản được HSBC được dự đoán là ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng đáng kể ở mức 6,6% trong giai đoạn 5 năm tới.

Trong khi đó, dự đoán xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản cũng tăng mạnh xấp xỉ 6%, với khối lượng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực dây và cáp điện.

HSBC nhấn mạnh, Trung Quốc cũng sẽ là đối tác thương mại quan trọng với mức tăng xuất khẩu dự đoán là 10,2% và nhập khẩu là 10,4% vào năm 2016.

Theo HSBC, lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, ước tính sẽ giảm nhẹ trong vòng năm năm tới. Kế đến là giày dép có mức tăng trưởng dự kiến khoảng 3,2% với hai thị trường chính là Hoa Kỳ và Đức. Nội thất là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ ba, ước sẽ tăng trưởng ở mức 6,3%.

Về nhập khẩu, theo HSBC, các sản phẩm không phải là dầu thô là lĩnh vực nhập khầu lớn nhất của Việt Nam, dự đoán sẽ tiếp tục tăng gần 4,5%, trong đó Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc là ba nhà cung cấp lớn nhất. Đứng thứ hai là sắt thép cán nóng với mức tăng trưởng ước tính 8,7%, từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tại báo cáo, HSBC cũng đưa ra “chỉ số Tin cậy thương mại” cho thấy độ tin cậy của các doanh nghiệp giao thương quốc tế ở Việt Nam vẫn ở mức ổn định.

Từ sáu tháng đầu năm 2011, chỉ số này được ghi nhận ở mức 116, 115 và 115 điểm. Dù chỉ số phản hồi lạc quan tại thời điểm này giảm sút 8% so với kết quả sáu tháng cuối năm 2011, phần lớn các câu phản hồi (80%) vẫn kỳ vọng khối lượng giao dịch vẫn duy trì ổn định hoặc tăng lên trong sáu tháng tới.

Trong ngắn hạn, theo HSBC, giao thương nội vùng tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hiện tại và trong suốt 6 tháng tới.