11:02 19/11/2009

Huy động ngoại tệ tăng chậm

Nam Lê

Các ngân hàng lại tiếp tục phải đối mặt với vấn đề cân đối nguồn vốn ngoại tệ khi huy động ngoại tệ (chủ yếu là USD) tăng chậm

Trái ngược với quý 2/2009, khi các ngân hàng “bí” đầu ra ngoại tệ thì hiện tại, huy động vốn ngoại tệ đang gặp khó khăn, cho dù mức lãi suất huy động USD liên tục tăng trong 3 tháng gần đây - Ảnh: Quang Liên.
Trái ngược với quý 2/2009, khi các ngân hàng “bí” đầu ra ngoại tệ thì hiện tại, huy động vốn ngoại tệ đang gặp khó khăn, cho dù mức lãi suất huy động USD liên tục tăng trong 3 tháng gần đây - Ảnh: Quang Liên.
Căng thẳng trong huy động vốn bằng VND chưa kết thúc, các ngân hàng lại tiếp tục phải đối mặt với vấn đề cân đối nguồn vốn ngoại tệ khi huy động ngoại tệ (chủ yếu là USD) tăng chậm. Trong khi đó, nhu cầu vay ngoại tệ cuối năm được dự báo là khá lớn.

Trái ngược với quý 2/2009, khi các ngân hàng “bí” đầu ra ngoại tệ thì hiện tại, huy động vốn ngoại tệ đang gặp khó khăn, cho dù mức lãi suất huy động USD liên tục tăng trong 3 tháng gần đây và đã ở mức trên 3%/năm.

SeABank vừa chính thức điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với USD và EUR, lãi suất huy động USD cao nhất tại ngân hàng này ở mức 3,7%/năm và 2%/năm với EUR. Cụ thể: kỳ hạn 24 tháng (3,7%/năm), 18 tháng (3,6%/năm), 12 và 13 tháng (3,5%/năm), 9 và 6 tháng (3,4%/năm), 3 tháng (3,2%/năm), 2 tháng (2,9%/năm), 1 tháng (2,6%/năm).

Maritime Bank cũng thông báo tăng lãi suất huy động ngoại tệ cho sản phẩm “Lãi suất cao nhất”. Mức lãi suất được điều chỉnh tăng mạnh từ 0,3- 0,5%/năm ở một số kỳ hạn như: 1 tháng là 2,35%/năm (tăng 0,3%/năm), 2 tháng là 2,45%/năm (tăng 0,35%/năm), 36 tháng là 4,5%/năm (tăng 0,5%/năm) so với với biểu lãi suất được ban hành trước đó.

Ngoài ra, ngân hàng hiện đang sở hữu mức lãi suất huy động cao nhất là Habubank tiếp tục tăng lãi suất huy động USD cho tất cả các kỳ hạn và các loại hình tiết kiệm với mức tăng từ 0,1- 0,65%/năm. Lãi suất huy động USD của BIDV kỳ hạn 3 tháng hiện là 2,04%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 2,14%/năm; 9 tháng là 2,31%/năm; 12 tháng là 2,71%/năm; kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng có mức lãi suất là 2, 96%/năm%/năm. Mức lãi suất USD kỳ hạn trên 12 tháng tại Vietcombank có thể lên tới 4%/năm.

Theo báo cáo tuần của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại Nhà nước là 2,5 - 3%/năm, lãi suất huy động cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại cổ phần là 2,6 - 3,5%/năm. Mặc dù vậy, nguồn vốn huy động bằng USD trong tháng 10 tiếp tục tăng chậm. Số dư tiền gửi ngoại tệ chỉ tăng 1% so với cuối tháng trước, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng tới 2,06%.

Số liệu trên đặt ra bài toán về cân đối nguồn vốn ngoại tệ, bởi các chuyên gia tài chính đều cho rằng, nhu cầu tín dụng ngoại tệ những tháng còn lại của năm là rất lớn.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB nhận định, trong những tháng gần đây, ngoài lý do kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc phục vụ cho sản xuất tăng lên, thì các doanh nghiệp nhập khẩu lớn cũng muốn tranh thủ nhập khẩu một số loại hàng hóa giá rẻ (hàng tồn kho, thanh lý...) trên thị trường quốc tế, chờ cơ hội để kiếm lời. Bên cạnh đó, cuối năm thường là mùa thanh toán hợp đồng, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp cần một lượng USD lớn để trả cho các đối tác nước ngoài.

Như vậy, liệu các ngân hàng có khả năng đáp ứng các nhu cầu trên khi mà lãi suất dù tăng cao nhưng lượng ngoại tệ gửi vào ngân hàng không tăng tương ứng? Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Ban vốn và kinh doanh vốn một ngân hàng lớn cho rằng, dù chưa có xảy ra tình trạng thiếu vốn hoặc hạn chế giải ngân bằng ngoại tệ nhưng trong thời gian tới, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ phải cân nhắc, tính toán thận trọng khi đối với tín dụng ngoại tệ.

Bởi mặc dù không bị giới hạn bởi trần lãi suất nhưng lãi suất huy động ngoại tệ vẫn có sự cân bằng tương đối và không thể tăng quá cao so với lãi suất VND. Hơn nữa, lãi suất huy động ngoại tệ đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng, nên trong cơ cấu tiền gửi ngoại tệ, tỷ lệ các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài thường rất ít. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có dự trữ thanh toán lớn hơn, gây ảnh hưởng đến khả năng chủ động nguồn ngoại tệ cho vay dài hạn.

Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ khác, có lý do để cho rằng, cân đối ngoại tệ cho vay sẽ không quá căng thẳng bởi việc giảm nhập siêu nhằm ổn định tỷ giá đang được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Nếu điều này được thực hiện, nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu sẽ giảm. Bên cạnh đó, nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng chậm lại từ nay đến cuối năm, trong đó có tín dụng ngoại tệ.

Vì vậy, nếu các ngân hàng có sự tính toán hợp lý, có phương pháp quản lý tài sản và kiểm soát rủi ro tốt sẽ tạo được sự chủ động trong việc cung cấp tín dụng ngoại tệ.