17:53 05/10/2012

Hy Lạp “sắp cạn tiền đến nơi”

An Huy

Hy Lạp không thể cầm cự được hết tháng 11 nếu không được các nhà tài trợ quốc tế cấp cho khoản cứu trợ tiếp theo

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cho biết, nước này không thể cầm cự được hết tháng 11 nếu không được các nhà tài trợ quốc tế cấp cho khoản cứu trợ tiếp theo.

Theo tin từ Reuters, thông tin trên được ông Samaras đưa ra trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ báo Đức Handelsblatt ngày 5/10.

“Chìa khóa của vấn đề nằm ở thanh khoản. Đó là lý do vì sao mà khoản cứu trợ tiếp theo rất quan trọng đối với chúng tôi”, ông Samaras nói. Khi được hỏi liệu Hy Lạp có thể cầm cự đến bao giờ, ông Sarmaras trả lời: “Cho đến cuối tháng 11. Khi đó, chúng tôi sẽ hết sạch tiền mặt”.

Trong bài trả lời phỏng vấn này, ông Saramas cũng nói rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể hỗ trợ Hy Lạp bằng cách chấp nhận mức lãi suất thấp hơn đối với số nợ của Hy Lạp mà ngân hàng này đang nắm giữ, hoặc nhất trí đảo nợ khi số trái phiếu đó đáo hạn.

“Tôi cũng hy vọng các ngân hàng Hy Lạp được tái cấp vốn thông qua Cơ chế bình ổn châu Âu (EMS) giống như những gì Tây Ban Nha đang được đề nghị. Đó sẽ là một sự hỗ trợ lớn”, ông Samaras phát biểu.

Những phát biểu trên của ông Samaras được đưa ra sau khi ông phát biểu tại một buổi họp báo diễn ra vào ngày 4/10 rằng, ông vẫn hy vọng ECB sẽ cho Hy Lạp thêm thời gian để trả nợ và dùng các quỹ giải cứu tài chính của khu vực Eurozone để tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp.

Ông Samaras cũng cho biết, khi gặp Chủ tịch ECB Mario Draghi trong ngày hôm nay, ông sẽ tiếp tục đề cập với ông Draghi những vấn đề không mới, chẳng hạn đề nghị ECB ưu đãi trong vấn đề thanh toán nợ và lãi suất trái phiếu nhằm giúp Athens thu hẹp thâm hụt ngân sách, hay việc ECB xem xét dùng quỹ giải cứu EMS để tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp như kế hoạch dành cho các ngân hàng Tây Ban Nha.

Trong nhiều tuần qua, Athens đã đối mặt nhiều bất đồng với bộ ba chủ nợ gồm Ủy ban châu Âu (EC), ECB, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một kế hoạch cắt giảm chi tiêu thêm 12 tỷ Euro, tương đương 15 tỷ USD, trong vòng 2 năm để đổi lấy khoản cứu trợ tiếp theo. Chính phủ Hy Lạp đã đề nghị xin thêm thời gian để thực hiện những cải cách khắc khổ, nhưng Đức và các nước chủ nợ trong Eurozone tỏ ra lạnh lung trước đề nghị này.

Hiện khối Eurozone đang chờ bản báo cáo của nhóm EC, ECB và IMF về tình trạng kinh tế Hy Lạp trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo.