15:25 19/06/2015

Italy “cảm thấy lo sợ” vì trừng phạt Nga

An Huy

Trong suốt nhiều thập kỷ, Nga và Italy có mối quan hệ thương mại nồng ấm

Bên trong một siêu thị ở Moscow, Nga - Ảnh: RIA.<br>
Bên trong một siêu thị ở Moscow, Nga - Ảnh: RIA.<br>
Với lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Moscow, sự hiện diện của các sản phẩm đồ hiệu và pho mát Italy giờ đây đã giảm mạnh trong đời sống của người dân Nga. Và mức thiệt hại đối với Italy đã lên tới trên 1,5 tỷ USD.
 
“Chúng tôi cảm thấy lo sợ”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italy Federica Guidi nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg.

Trong suốt nhiều thập kỷ, Nga và Italy có mối quan hệ thương mại nồng ấm, một phần nhờ tình bằng hữu giữa cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi với Tổng thống Vladimir Putin.

Giới nhà giàu Nga là khách “sộp” của các show diễn thời trang ở Milan và nhiều đặc sản Italy như pho mát và giăm bông Parma. Xuất khẩu những mặt hàng như vậy sang Nga ngày càng giữ một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Italy.

Nhưng tất cả đã bị đảo lộn trong năm 2014 khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đẩy mối quan hệ giữa châu Âu và Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Cùng với Mỹ, EU tung đòn trừng phạt lên Nga. Ngay lập tức, điện Kremlin trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu một loạt thực phẩm từ các nước EU, từ thịt cho tới các sản phẩm sữa.

Italy, quốc gia có nền kinh tế lấy xuất khẩu làm động lực phát triển chính, đã chịu ảnh hưởng mạnh. Cho dù các lệnh trừng phạt có sớm được nới, thì nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này vẫn có nguy cơ mất vĩnh viễn khách hàng Nga vào tay các đối thủ như Thụy Sỹ, quốc gia không phải là thành viên EU và không phải tuân thủ các chính sách của khối này.

“Tôi phải nhập pho mát từ nhiều nguồn khác nhau như Thụy Sỹ, Tunisia, Marocco, và một ít pho mát Nga. Nhưng chẳng gì có thể thay thế được pho mát Italy”, ông Alexander Krupetskov, chủ một cửa hàng đặc sản pho mát ở Moscow cho hay. “Thị phần của pho mát Italy ở Nga sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ có thể sẽ không còn được như trước. Đó là một mối lo lớn”.

Theo cơ quan thống kê Istat của Italy, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Nga giảm 1,25 tỷ Euro (1,4 tỷ USD), tương đương giảm 12% trong năm 2012.

Tình hình năm nay thậm chí còn u ám hơn, với mức giảm 29,4% trong 4 tháng đầu năm.

Năm ngoái, xuất khẩu hàng dệt may và đồ da của Italy sang Nga giảm 16,5%; các mặt hàng thực phẩm và thuốc lá giảm 9,6%; còn máy móc và thiết bị giảm 4,1%. Theo dự báo của Bloomberg, nếu lệnh trừng phạt tiếp tục duy trì hết năm nay, thì mức giảm xuất khẩu các mặt hàng này của Italy sang Nga có thể tăng lên 26,4%, 47,1% và 28,8%.

Là nước sản xuất công nghiệp lớn thứ hai ở châu Âu sau Đức, Italy chịu tác động nhiều hơn từ việc trừng phạt Nga so với một số nước EU khác. Chưa kể, nền kinh tế Italy vừa ra khỏi một cuộc suy thoái kéo dài 3 năm rưỡi, dài nhất trong lịch sử.

“Chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ nhiều nhất ngành công nghiệp của mình để tìm giải pháp, trong đó có việc tìm thị trường thay thế”, bà Guidi cho biết.

Theo bà Guidi, Chính phủ Italy đang nỗ lực để kéo dài thỏa thuận ngừng bắn ơ miền Đông Ukraine nhằm mục đích để lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sớm được nới. Trong hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Bavaria, Đức mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, G7 sẵn sàng tăng cương trừng phạt Nga “nếu tình hình buộc phải như vậy”.

Thứ Tư tuần này, các chính phủ châu Âu đã đạt một thỏa thuận sơ bộ về gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng cho tới tháng  1/2016.

Đó thực sự là một tin xấu cho Yulia Dzeban, chủ một cửa hiệu thực phẩm và rượu vang cao cấp ở Moscow.

“Làm thế nào mà thay thế được pho mát Italy đây? Các bạn đã thử pho mát Nga chưa? Chẳng khác gì đất sét cả!” bà Dzeban nói.