Jack Ma: Từ giáo viên tiếng Anh đến tỷ phú công nghệ
Đúng một năm nữa, Jack Ma sẽ rời ghế Chủ tịch hãng thương mại điện tử khổng lồ mà ông sáng lập cách đây gần 2 thập niên
Jack Ma, vị doanh nhân phía sau hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc, sẽ chuyển giao lại quyền lực tại công ty mà ông sáng lập cách đây gần 2 thập niên.
Theo tuyên bố từ Alibaba, đúng một năm nữa, tức vào ngày 10/9/2019, Jack Ma sẽ rời ghế Chủ tịch Alibaba.
Tuyên bố này đưa ra vào sáng ngày 10/9/2018, đúng dịp Jack Ma kỷ niệm sinh nhật lần thứ 54. Việc vị tỷ phú công nghệ hàng đầu châu Á này lên kế hoạch về hưu sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Alibaba, công ty từ một trang web được điều hành từ căn hộ của Jack Ma vươn mình trở thành một doanh nghiệp công nghệ toàn cầu.
Từ một công ty khởi nghiệp vô danh, Alibaba đã vụt lớn thành một "đế chế" trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ điện toán đám mây, ngân hàng số, tới nhắn tin trực tuyến và sản xuất phim.
Theo trang CNN Money, Jack Ma - một người luôn thể hiện mạnh mẽ quan điểm ủng hộ toàn cầu hóa - sẽ bắt đầu cuộc chuyển giao quyền lực vào một thời điểm "nóng" về chính trị. Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến thương mại leo thang, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu giảm tốc.
Tuy vậy, ông Duncan Clark, tác giả cuốn "Alibab: The House That Jack Ma Built" (tạm dịch: "Alibaba: Ngôi nhà Jack Ma xây nên"), không cho rằng việc Jack Ma tính chuyện nghỉ hưu xuất phát từ những mối lo về căng thẳng địa chính trị.
"Ông ấy đã nhiều lần nói về mong muốn quay trở lại điểm xuất phát là một giáo viên", ông Clark nói với CNN Money. Bởi vậy, cho dù Jack Ma tuyên bố nghỉ hưu, thì điều đó cũng "không phải là một ngạc nhiên lớn".
"Câu chuyện Hollywood"
Jack Ma sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang ở miền Đông Trung Quốc vào năm 1964. Thời đi học, Jack Ma khá chật vật ở trường. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông tiết lộ từng bị Đại học Havard từ chối 10 lần. Khi đi xin việc, ông cũng nhiều lần bị khước từ.
Trước khi theo học tại Đại học Sư phạm Hàng Châu, Jack Ma từng trượt đại học hai lần. Ông ra trường năm 1988 và đã dạy môn tiếng Anh trong nhiều năm.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Times hồi năm 2005, Jack Ma gọi việc ông trở thành một trong những tỷ phú công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc là một "câu chuyện Hollyood".
Trong những năm gần đây, Jack Ma luôn tham dự lễ hội mua sắm "Ngày độc thân" (Singles’ Day) trên Alibaba, sự kiện được coi là sự kiện khuyến mãi trực tuyến lớn nhất thế giới.
Jack Ma kể với New York Times rằng ông đến California vào năm 1994 để giúp thu một khoản nợ mà một doanh nhân người Mỹ nợ một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, vị doanh nhân đó có súng và đã uy hiếp, giam giữ Jack Ma tại một dinh thự ở Malibu suốt hai ngày. Ông thoát ra được sau khi hứa với vị doanh nhân rằng ông ta sẽ trở thành đối tác của ông trong một công ty Internet.
Sau đó, Jack Ma không liên lạc lại với người kia, nhưng đã hỏi bạn bè ở Seattle về Internet. Ông trở về Trung Quốc mang theo niềm háo hức về Internet, cho dù Internet gần như là thứ chưa được biết đến ở Trung Quốc vào thời điểm đó.
"Ngày chúng tôi được kết nối web, tôi đã mời bạn bè và phóng viên truyền hình tới nhà tôi", Jack Ma nói với New York Times. "Chúng tôi đợi ba giờ rưỡi và chỉ có một nửa trang web được tải. Chúng tôi đã uống rượu, xem TV, đánh bài và chờ đợi. Nhưng tôi rất tự hào. Tôi đã chứng minh được với mọi người là có Internet".
Xây dựng Alibaba
Jack Ma bỏ công việc dạy học và đi vay 2.000 USD để mở China Pages, một trong những trang web thương mại điện tử đầu tiên của Trung Quốc. Khi dự án này thất bại, ông huy động gần 60.000 USD từ bạn bè và các nhà đầu tư để lập nên Alibaba.com, một trang thương mại điện tử B2B, vào năm 1999. Trang này sớm nhận được sự hậu thuẫn của những tên tuổi lớn như Goldman Sachs và SoftBank.
Vào năm 2003, Alibaba lập Taobao.com, một trang đấu giá tương tự như eBay của Mỹ, và gặt hái thành công lớn.
Yahoo, khi đó là một hãng công nghệ lớn mạnh, đã mua một cổ phần lớn trong Alibaba vào năm 2005. Thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD này cũng cho phép Alibaba nắm quyền kiểm soát Yahoo tại Trung Quốc.
Jack Ma trong lễ ký thỏa thuận với Alibaba vào năm 2005 - Ảnh: China Photos/Getty.
Trong vòng 1 thập kỷ sau đó, Alibaba đã thu hút được hàng triệu khách hàng và được xem là có công giúp thay đổi xã hội Trung Quốc bằng cách cho phép người dân thuộc tầng lớp lao động tiếp cận với thương mại điện tử và tạo ra một làn sóng việc làm mới.
Vụ IPO kỷ lục
Alibaba phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn NYSE ở New York, Mỹ vào tháng 9/2014 và huy động được số vốn kỷ lục 25 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những ngày đầu giao dịch, giá cổ phiếu Alibaba có những lúc giảm mạnh và không đáp ứng những kỳ vọng to lớn của Phố Wall trước đó.
Trả lời phỏng vấn đài CBS năm đó, Jack Ma nói: "Chúng tôi tin khách hàng là số 1, nhân viên là số 2, và cổ đông là số 3. Nếu họ không muốn cổ phiếu của chúng tôi, họ có thể bán. Không sao cả… Chỉ khi bạn chăm sóc khách hàng và nhân viên được tốt, thì cổ đông sẽ được chăm sóc".
Giá cổ phiếu Alibaba đã nhảy từ mức mở cửa 68 USD/cổ phiếu lên mức 94 USD/cổ phiếu chỉ trong 10 phút giao dịch đầu tiên.
Sau này, Jack Ma đã bày tỏ hối tiếc vì vụ IPO. "Nếu tôi có thêm một cuộc đời nữa, tôi sẽ giữ cho công ty của tôi là một công ty tư nhân", ông nói trong một bài phát biểu vào năm 2005.
Cũng giống như nhiều công ty công nghệ lớn khác nổi lên ở Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua, Alibaba phải thích nghi với các chính sách kiểm duyệt của Bắc Kinh. Jack Ma nói với kênh CBS rằng Alibaba hợp tác với Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề an ninh quốc gia, nhưng công ty có chính sách là "không bao giờ làm kinh doanh với Chính phủ". "Yêu thôi, đừng cưới họ", ông nói.
Jack Ma gặp Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tại cao ốc Trump Tower ở New York, Mỹ, tháng 1/2017 - Ảnh: Reuters.
Nhìn về tương lai
Jack Ma, người sở hữu khối tài sản khoảng 40 tỷ USD, hiện vẫn là gương mặt của Alibaba. Nhưng ông Bắt đầu giảm dần sự kiểm soát đối với công ty từ mấy năm trước. Ông đã rời cương vị Giám đốc điều hành (CEO) vào năm 2013 và giữ vai trò Chủ tịch điều hành. Ông Daniel Zhang, 46 tuổi, đã giữ cương vị CEO của Alibaba từ năm 2015, sau khi có một thời gian đảm nhiệm chức Giám đốc hoạt động (COO).
Theo tuyên bố của Alibaba, ông Zhang sẽ thay Jack Ma ở cương vị Chủ tịch Alibaba. Về phần mình, Jack Ma sẽ hoàn tất nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Quản trị tại Alibaba trong cuộc họp cổ đông thường niên vào năm 2020.
Ông Clark, nhà viết tiểu sử, không cho là Jack Ma sẽ có lúc cắt bỏ hoàn toàn mối ràng buộc với Alibaba. "Cho dù giữ vai trò nào thì ông ấy cũng vẫn sẽ theo sát công ty thôi", ông Clark nhận định.
Jack Ma hiện nắm cổ phần hơn 6% tại Alibaba. Cấu trúc quản lý của công ty cho phép ông và các đối tác khác sự kiểm soát chắc chắn đối với Hội đồng Quản trị.
Tuần trước, Jack Ma nói với kênh Bloomberg rằng ông muốn quay trở lại công việc dạy học vào một ngày nào đó. "Đây là một việc tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn là làm CEO của Alibaba", ông nói.
Tháng 7/2017, quỹ từ thiện của Jack Ma trao tặng số tiền 500.000 Nhân dân tệ (gần 74.000 USD) cho 20 trường học ở các vùng nông thôn Trung Quốc nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục nông thôn - Ảnh: Getty.
Jack Ma cũng nói ông muốn đi theo cách của nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft, tỷ phú Bill Gates, người đã hứa trao tặng ít nhất một nửa tài sản cá nhân cho hoạt động từ thiện trong lúc sinh thời. Ông có kế hoạch sẽ tập trung vào hoạt động của Jack Ma Foundation, quỹ từ thiện thành lập năm 2014 hướng đến các hoạt động phát triển giáo dục-y tế và bảo vệ môi trường.