Kết quả lấy ý kiến nhân dân sửa Luật Giáo dục xác thực đến đâu?
Số lượng đồng ý với từng nội dung tỷ lệ thấp nhất là 96,5% nhưng băn khoăn còn không ít
Tiếp tục phiên họp thứ 31, chiều 21/2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) của Chính phủ.
Theo báo cáo của Chính phủ thì Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm, bằng nhiều hình thức thích hợp.
Có 53/63 sở giáo dục đào tạo gửi báo cáo với 812.591 ý kiến; 195 phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, 57 công đoàn giáo dục các tỉnh, 20 công đoàn giáo dục trường đại học với 353.113 người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội- xã hội nghề nghiệp và xã hội, hiệp hội; 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; 130 bài báo.
Kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý, Chính phủ khái quát.
Về kết quả cụ thể, đa số các nhóm vấn đề, trong đó có đầu tư cho giáo dục, trách nhiệm của nhà nước, nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học... đều được đồng thuận cao và Chính phủ tiếp thu theo đa số.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, có 4 vấn đề phức tạp và còn có nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Gồm chính sách tiền lương của nhà giáo, chính sách không thu học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập, việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, quy định cụ thể nhiệm vụ của các bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.
Nêu con số tỷ lệ đồng thuận thấp nhất cũng trên 96%, cao nhất đến trên 99%, nhưng Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải vẫn còn băn khoăn.
Bà Hải lấy ví dụ có vấn đề theo báo cáo điều tra dư luận của Viện nghiên cứu dư luận xã hội có 52% đồng ý còn kết quả lấy ý kiến của Bộ thì trên 99% đồng ý, điều đó phụ thuộc vào việc lựa chọn đối tượng để lấy ý kiến.
Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mà lấy ý kiến các giáo sư đại học trong khi đại học không sử dụng sách này thì đối tượng chưa được bao quát lắm, bà Hải nhận xét.
Băn khoăn của bà Hải còn ở kết quả đồng thuận về quy định về học phí đến trên 99,5%, trong khi nếu theo quy định này thì tới đây sẽ dồn hết chi phí tiền lương, chi phí đào tạo và các chi phí khác vào tiền túi của dân.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, lấy ý kiến nhân dân để có kết quả xác thực thì phải có 4 nội dung là đối tượng lấy ý kiến, phương pháp lấy thế nào, các vấn đề xin ý kiến có mấu chốt không và tổng hợp ra sao?
Vấn đề đưa ra xin ý kiến thì theo bà Nga đã đúng trọng tâm, nhưng số lượng trên 1 triệu lượt ý kiến là thế nào, 1 lượt là bao nhiêu người, kết quả trên 1 triệu lượt trên gần một trăm triệu dân thì có phải ý kiến đa số không?
Về đánh giá kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc, bà Nga dẫn báo cáo của chính phủ là trong hệ thống chỉ có 53 sở giáo dục và đào tạo góp ý, còn 10 sở chạy đi đâu, có phải các sở ở tỉnh lớn không. Ngoài ra cũng chỉ có 20 trường đại học tham gia góp ý, hay các trường khác chưa được hỏi....
Với kết quả như vậy, bà Nga băn khoăn là nói tiếp thu đa số ý kiến nhân dân và cứ đa số là phải tiếp thu thì có ổn không?
Quan điểm của Chủ nhiệm Nga là phải tiếp tục lấy tiếp ý kiến và phải tiếp thu hợp lý, tránh tình trạng đã lấy ý kiến nhân dân là phải tiếp thu.
Thường trực cơ quan thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng cho rằng, để Luật Giáo dục (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đối tượng tham gia đóng góp ý kiến cần đa dạng và đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến chưa thu hút được sự quan tâm của các nhóm đối tượng ngoài ngành giáo dục, nhất là ý kiến của những người sử dụng sản phẩm của giáo dục, đào tạo.
Nhận xét của thường trực cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, việc tổng hợp, phân tích ý kiến nhân dân chủ yếu là định tính, chưa phân tích khoa học số liệu thống kê (bao nhiêu % ý kiến đồng ý, % không đồng ý), nên sức thuyết phục chưa mạnh. Ngoài ra, một số ý kiến còn khác nhau hoặc khác với quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình chưa được phân tích, giải thích thỏa đáng, tính thuyết phục chưa cao; đặc biệt là những vấn đề liên quan đến liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; chính sách nhà giáo…
Đối với một số vấn đề phức tạp như quy định về tiền lương nhà giáo, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đầu tư tài chính cho giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục,... hình thức và phạm vi đối tượng lấy ý kiến chưa thật sự phù hợp, logic để làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định của luật, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết.