Khai mạc Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng
Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Thái Lan gặp gỡ, trao đổi về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh mới. Đồng thời đề xuất các biện pháp tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác về các lĩnh vực thương mại đầu tư, chuỗi cung ứng, du lịch bền vững…
Sáng ngày 27/9/2024, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức sự kiện Gặp gỡ Thái Lan. Sự kiện là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Thái Lan gặp gỡ, trao đổi về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chia sẻ quan hệ hữu nghị Việt Nam-Thái Lan là tài sản hết sức quý giá của hai dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đặt những viên gạch đầu tiên. Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân trước khi từ nước ngoài trở về Việt Nam gây dựng sự nghiệp cách mạng.
Bà Hằng cho rằng với niềm tin chính trị sâu sắc, tự tôn trọng, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau, sự tương đồng về văn hóa, sự gần gũi giữa người dân, có thể khẳng định, quan hệ đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan ngày càng gần gũi, tin cậy; phát triển toàn diện, mạnh mẽ, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào việc tạo dựng một tương lai chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Trong đó, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nổi lên như một điểm sáng.
Hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN. Với 19 cặp địa phương kết nghĩa, Việt Nam và Thái Lan hiện là hai nước có số lượng địa phương kết nghĩa nhiều nhất trong các nước thành viên ASEAN.
Theo bà Hằng, với mục tiêu thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế mỗi nước, Việt Nam và Thái Lan đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng và bền vững hơn. Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng tạo cơ hội để doanh nghiệp, địa phương hai nước thúc đẩy hợp tác, mở rộng kinh doanh và đầu tư, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của mỗi nước.
Bên cạnh đó, Hội nghị là dịp tạo cơ hội để hai nước cùng nắm bắt những thời cơ phát triển mới trước những thay đổi mang tính thời đại của thế giới, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên cao của mỗi nước là như kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghệ cao.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết hội nghị Gặp gỡ Thái Lan trong bối cảnh mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Thái Lan và Việt Nam phát triển ngày càng sâu rộng. Thái Lan tiếp tục giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 vào Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong ASEAN và thứ 5 trên thế giới. Từ năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đã vượt mốc 20 tỷ USD và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh về vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi của Đà Nẵng- là một trong những cửa ngõ hướng ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây, có tiềm năng trở thành một phần trong mạng lưới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu do thuận lợi trong kết nối các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cũng như tiềm năng trở thành thành phố phát triển du lịch bền vững khi là điểm kết nối các di sản thế giới trong khu vực.
Ông Hồ Kỳ Minh, cho biết Thành phố đang ưu tiên phát triển một số lĩnh vực như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; công nghiệp vi mạch bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Đặc biệt, Đà Nẵng đang huy động mọi nguồn lực để xây dựng Cảng Liên Chiểu trở thành cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương.
Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Quốc hội cho phép thực hiện một số chính sách đặc thù, vượt trội chưa có tiền lệ ở Việt Nam về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; thành lập Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng...
Đó là động lực quan trọng, tạo điều kiện để thành phố Đà Nẵng phát triển bức phá nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á...
Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng với 2 phiên thảo luận: Phát triển du lịch bền vững và Đẩy mạnh kết nối đầu tư và hội nhập chuỗi cung ứng, là dịp để các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm tạo điều kiện các bên liên quan tham gia sâu hơn vào chuỗi kết nối cung ứng, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, hợp tác về các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh mà hai Bên quan tâm.
Theo Ban Tổ chức, sự kiện Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng diễn ra trong 02 ngày 26 và 27/9, thu hút khoảng hơn 1.000 lượt người tham dự các hoạt động chính thức và hội chợ, triển lãm, trong đó hội nghị toàn thể có hơn 300 đại biểu là lãnh đạo một số bộ/ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung và miền Nam, các tập đoàn/tổ chức hàng đầu của Thái Lan, cùng đông đảo doanh nghiệp hai nước.