10:48 05/07/2023

Khi Saudi Arabia "đụng độ" giới đầu cơ dầu

Bình Minh

Saudi Arabia tìm mọi cách để kéo giá dầu tăng, nhưng giới đầu cơ dầu lửa lại đang đặt cược ngược lại...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới đã giảm sâu so với thời gian cách đây 1 năm, khiến Saudi Arabia tìm mọi cách để kéo giá dầu lên. Nhưng nỗ lực này khó phát huy tác dụng bởi cuộc “đụng độ” với giới đầu cơ trên thị trường dầu lửa - những người đặt cược giá “vàng đen” sẽ tiếp tục giảm thay vì tăng như mong muốn của Riyadh.

Theo tờ Wall Street Journal, thị trường dầu lửa đang gửi một thông điệp tới Saudi Arabia và tất cả những ai kỳ vọng giá dầu khởi sắc: Đừng trông chờ vào điều đó.

Theo kế hoạch công bố hồi đầu tháng 6, Saudi Arabia sẽ tự nguyện giảm sản lượng khai thác dầu 1 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 7 này cho tới hết năm. Kế hoạch này đã chính thức được thực thi vào cuối tuần vừa rồi, như một phần trong “canh bạc” đầy may rủi nhằm hạn chế nguồn cung dầu, qua đó đẩy giá dầu tăng lên.

Không chỉ dừng ở đó, hôm thứ Hai tuần này, Saudi Arabia tuyên bố sẽ gia hạn một kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày khác. Theo đó, kế hoạch lẽ ra hết hạn vào cuối tháng 7 sẽ kéo dài tới hết tháng 8. Giới chức Saudi Arabia tin rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ vượt sản lượng khai thác dầu toàn cầu trong năm nay, dẫn tới một cuộc phục hồi giá dầu để mang lại mức lợi nhuận béo bở cho các nước sản xuất dầu. Các nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và các ngân hàng ở Phố Wall cũng nhất trí rằng nhu cầu dầu sẽ cao hơn nguồn cung trong nửa sau của năm nay.

CHỈ BÁO U ÁM TỪ THỊ TRƯỜNG DẦU

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, thị trường dầu dường như xung đột với ý tưởng như vậy. Một chỉ báo quan trọng của thị trường đang phản ánh rằng các nhà giao dịch tin nguồn cung dầu toàn cầu sẽ không suy giảm trong nhiều tháng tới. Chỉ số này dựa trên khoảng cách giữa giá dầu giao vào những thời điểm khác nhau.

Những ngày gần đây, giá dầu Brent giao ngay đã giảm xuống mức thấp hơn so với giá dầu được giao vào một thời điểm xa hơn. Trạng thái này được gọi là “contago” - dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu thừa sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, vì nhà đầu tư tin rằng giá của các hợp đồng dầu thô giao sau sẽ phải giảm dần theo thời gian để đồng quy với giá dầu giao ngay ở thời điểm hết hạn hợp đồng.

Những gì xảy ra trên thị trường dầu lửa có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời phản ánh tình trạng của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại, và nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng đang có nhiều dấu hiệu suy yếu thêm sau khi đã rơi vào tình trạng suy thoái vào đầu năm nay.

Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong nửa sau của năm nay do lạm phát cao dai dẳng và lãi suất tăng. Định chế có trụ sở ở Washington DC dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 2,1% trong năm nay, từ mức tăng trưởng 3,1% đạt được vào năm ngoái.

“Đó thực sự là một dấu hiệu bi quan” về giá dầu - CEO Greg Newman của công ty môi giới Onyx Capital Group có trụ sở ở London - nhận định. Theo ông Newman, một điều đáng ngạc nhiên là giá dầu Brent chưa sụt giảm sâu hơn, vì ông dự báo giá của loại dầu được xem là chuẩn mực của thị trường dầu lửa toàn cầu này có thể giảm về vùng 58-62 USD/thùng.

Điều này có nghĩa là Saudi Arabia, nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, có thể phải hành động quyết liệt hơn để kích thích giá dầu trong bối cảnh nhu cầu trì trệ, lãi suất cao, và dòng chảy dầu thô lớn hơn dự kiến từ Mỹ, Iran và Nga.

Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc hoá ra lại chậm chạp hơn so với những gì mà các nhà kinh tế học dự báo. Bắc Kinh đã đặt ra một kế hoạch để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng giới đầu tư cho rằng kế hoạch đó là chưa đủ để tạo ra một đợt tăng giá mạnh mẽ trên thị trường hàng hoá cơ bản trong đó có dầu thô.

Giá dầu Brent đã giảm 13% trong nửa đầu năm nay, về ngưỡng khoảng 75 USD/thùng, mặc các kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước thành viên ngoài khối. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng trên toàn cầu được hưởng mức giá mềm hơn ở trạm bơm xăng. Chẳng hạn, giá xăng loại thường ở Mỹ trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7 là 3,54 USD/gallon, thấp hơn 1,3 USD/gallon so với cách đây 1 năm.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng.

Tiêu thụ xăng dầu cũng đang yếu đi ở Trung Quốc và châu Âu - theo ông Marwan Younes, Giám đốc đầu tư của quỹ phòng hộ Massar Capital Management. Ông Younes cho rằng một phần của khối lượng dầu thô kỷ lục mà Trung Quốc nhập khẩu năm nay có lẽ được nước này đưa vào dự trữ chiến lược.

“Các lực lượng vĩ mô lớn và rộng hơn đang thực sự gây trở ngại cho tăng trưởng toàn cầu”, ông Younes nói.

THỊ TRƯỜNG YẾU, SỨC MẠNH CỦA OPEC CŨNG GIẢM SÚT

Bằng cách cắt giảm sản lượng, Riyadh đã giúp củng cố phần nào giá của loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao vốn là sản phẩm chủ lực của nước này, nhưng không thể kéo toàn bộ thị trường dầu lửa đi lên - theo Giám đốc Adi Imsirovic của công ty tư vấn Surrey Clean Energy.

Kết quả là, giá dầu tiêu chuẩn ở thị trường Dubai gần đây đã tăng vượt giá dầu Brent, lần đầu tiên kể từ mùa thu năm 2020. Đây là một hiện tượng hiếm gặp bởi dầu thô giao dịch ở Dubai thường đặc hơn và có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn nên có giá rẻ hơn. Giá dầu ở thị trường Dubai chịu sự ảnh hưởng lớn từ sản lượng dầu của Saudi Arabia, trong khi giá dầu Brent là thước đo chủ yếu cho dầu thô sản xuất ở châu Âu và bang Texas - “vựa” dầu của nước Mỹ.

Giá dầu ở Dubai tăng là tin tốt cho hãng dầu khí quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco - công ty định giá xuất khẩu sang khu vực châu Á dựa trên giá ở thị trường Dubai. Nhưng mặt khác, khi xuất khẩu dầu sang thị trường châu Âu, Saudi Aramco phải định giá theo giá dầu Brent.

“Saudi Arabia lại đang phải tự thân vận động bằng cách đơn phương cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường. Điều này giống như một câu nói đã có từ lâu rằng: OPEC mạnh khi thị trường mạnh, và yếu khi thị trường yếu”, ông Imsirovic nhận định.

Một mối rủi ro khác đối với những ai kỳ vọng giá dầu tăng là trạng thái “contago” của giá dầu Brent khiến nhiều quỹ đầu tư ngại rót tiền vào các sản phẩm phái sinh dầu. Khi các hợp đồng tương lai càng đến gần ngày đáo hạn lại càng mất giá, các nhà đầu cơ giá lên sẽ hứng thua lỗ nếu họ điều chỉnh trạng thái để tránh phải nhận lô dầu trên hợp đồng.

Cũng có một số nhân tố có thể đẩy giá dầu thô lên cao hơn. Người dùng ô tô ở Mỹ, nhóm chiếm khoảng 1/10 tiêu thụ dầu toàn cầu, đang tiêu thụ xăng nhiều hơn 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một sự thay đổi trong cách thức tính giá dầu Brent, chẳng hạn đưa dầu Mỹ vào công thức tính, cũng có thể làm rối loạn tín hiệu mà giá dầu Brent gửi đi về tình trạng của thị trường dầu lửa toàn cầu.

Dù vậy, ông Younes cho rằng bất kỳ đợt tăng nào của giá dầu cũng sẽ không kéo dài. Một trở ngại lớn đối với giá dầu nằm ở sự suy thoái của sản lượng hoá dầu - một phần trong tình trạng sụt giảm của ngành sản xuất trên toàn cầu. Các nhà máy lọc dầu đang thua lỗ trên mỗi thùng naphtha - nguyên liệu sản xuất nhựa. Bởi vậy, các nhà máy này cắt giảm việc mua dầu thô làm nguyên liệu đầu vào.

Lãi suất tăng khiến chi phí lưu kho dầu tăng cũng khiến các nhà máy lọc dầu bán bớt dầu dự trữ, gây áp lực giảm lên giá dầu. Chưa kể xuất khẩu dầu của Iran cũng tăng trong thời gian gần đây khi nước này đẩy mạnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, một số nhà phân tích càng trở nên bi quan về triển vọng giá dầu.

“Vấn đề là khi một nhà sản xuất giảm sản lượng dầu trong một môi trường vốn dĩ đã yếu, thì ảnh hưởng chỉ ở mức hạn chế mà thôi. Có vẻ như chúng ta sẽ còn ở trong trạng thái này một thời gian nữa”, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank nhận định.