06:00 04/07/2023

Trung Quốc miệt mài mua khí đốt

An Huy

Trung Quốc đang mạnh tay gom mua khí đốt tự nhiên, và giới chức nước này sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà nhập khẩu khí đốt ký hợp đồng, cho dù cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã dịu bớt...

Một cảng khí đốt ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Một cảng khí đốt ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục hậu thuẫn nỗ lực của các công ty quốc doanh ký hợp đồng mua khí đốt dài hạn, song song với đầu tư vào các cơ sở xuất khẩu khí đốt. Đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm củng cố an ninh năng lượng đến giữa thế kỷ này.

Trung Quốc đang trên đà trở thành nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm 2023. Năm nay cũng là năm thứ ba liên tiếp các công ty Trung Quốc ký thoả thuận nhập khẩu LNG dài hạn nhiều hơn hơn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào - theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

TẦM NHÌN DÀI HẠN CỦA BẮC KINH

Bằng cách này, Trung Quốc đang có một cái nhìn dài hạn để tránh lặp lại tình trạng khan hiếm năng lượng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các hợp đồng LNG dài hạn rất hấp dẫn vì các lô hàng được hứa hẹn ở mức giá tương đối ổn định so với thị trường giao ngay - nơi giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

Ông Toby Copson, Giám đốc toàn cầu về giao dịch và tư vấn của công ty Trident LNG ở Thượng Hải, nhận định: “An ninh năng lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Việc chuẩn bị trước nguồn cung dồi dào cho phép họ quản lý sự biến động của thị trường năng lượng trong tương lai. Tôi cho rằng họ còn tiếp tục đi theo hướng này”.

Những nỗ lực giành thỏa thuận mua khí đốt của Trung Quốc sẽ hậu thuẫn các dự án xuất khẩu khí đốt trên toàn cầu, tăng cường vai trò của loại nhiên liệu vận chuyển bằng đường biển này trong cơ cấu năng lượng của thế giới. Và khi các nhà cung cấp chuyển sang thu hút các nhà nhập khẩu Trung Quốc, ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thị trường sẽ tăng lên.

Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng mua khí đốt dài hạn vào năm 2021, sau khi quan hệ với Mỹ được cải thiện. Nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc giảm trong năm ngoái, một phần do nhu cầu yếu hơn trong bối cảnh các hạn chế chống Covid. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu khí đốt nước này đã trở lại thị trường một cách mạnh mẽ sau khi nguồn cung khí đốt Nga sang châu Âu bị gián đoạn trong bối cảnh chiến tranh.

Giá khí đốt tăng vọt do chiến tranh Nga-Ukraine và cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành giật các lô hàng LNG đã mang lại một bài học tức thì về sự ổn định của nguồn cung. Một phần trong nỗ lực thúc đẩy an ninh năng lượng của Trung Quốc là đa dạng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, như một bước đệm để phòng ngừa sự gián đoạn nguồn cung do biến động địa chính trị.

Một số nước nhập khẩu khí đốt khác, bao gồm cả Ấn Độ, cũng đang tìm cách ký kết thêm thỏa thuận hơn để tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai và hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường khí đốt giao ngay. Tuy nhiên, Trung Quốc đang chốt hợp đồng với tốc độ nhanh hơn nhiều. Cho đến nay, 33% khối lượng LNG trong các hợp đồng dài hạn được ký kết thuộc về Trung Quốc - theo tính toán của Bloomberg.

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, Tổng công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một thỏa thuận 27 năm với Qatar và thâu tóm cổ phần trong một dự án mở rộng xuất khẩu khí đốt quy mô lớn của Qatar; trong khi một doanh nghiệp Trung Quốc khác là ENN Energy Holdings Ltd. ký một hợp đồng kéo dài hàng thập kỷ với công ty dầu khí Cheniere Energy Inc của Mỹ. Việc cung cấp khí đốt từ cả hai hợp đồng dự kiến ​​sẽ bắt đầu ngay từ năm 2026.

Nhiều thỏa thuận khác đang chuẩn bị được ký kết, với các cuộc đàm phán diễn ra trong các phòng họp từ Singapore đến Houston. Các doanh nghiệp quốc doanh lớn như CNOOC và Sinopec đang thảo luận với Mỹ, trong khi các công ty nhỏ hơn như Tập đoàn Năng lượng tỉnh Chiết Giang và Tập đoàn Khí đốt Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm các thỏa thuận - giới thương nhân tiết lộ.

Theo các thương nhân, Qatar đang đàm phán với một số khách Trung Quốc về các hợp đồng mua bán khí đốt có thể kéo dài hơn 20 năm. Sinopec là một trong số các công ty đang đàm phán để đầu tư vào khai thác khí đốt ở Saudi Arabia, có thể bao gồm việc xây dựng các cơ sở để xuất khẩu nhiên liệu này - Bloomberg đưa tin hồi tháng 5.

Các thỏa thuận trên sẽ cung cấp năng lượng cho khoảng một chục cảng nhập khẩu mới dự kiến ​​sẽ bắt đầu xây dựng trên khắp các thành phố ven biển của Trung Quốc trong thập kỷ này. Theo công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy của Na Uy, nhập khẩu LNG của Trung Quốc có thể tăng lên tới 138 triệu tấn vào năm 2033, gấp đôi mức hiện tại.

“Hiện tại, hơn một nửa nhu cầu LNG của Trung Quốc từ năm 2030 đến năm 2050 vẫn chưa được ký hợp đồng”, ông Xi Nan, một nhà phân tích của Rystad, cho biết.

ẢNH HƯỞNG NGÀY CÀNG LỚN CỦA TRUNG QUỐC TRÊN THỊ TRƯỜNG KHÍ ĐỐT

Theo giới thương nhân, Chính phủ Trung Quốc không buộc các công ty phải ký thỏa thuận và các thương nhân sẽ chỉ ký các hợp đồng có giá hấp dẫn. Khách mua LNG Trung Quốc cũng đang sử dụng các hợp đồng mới để mở rộng danh mục đầu tư và khai mở các cơ hội giao dịch sinh lợi.

Triển vọng nhu cầu tăng là không phải là điều chắc chắn, đặc biệt khi Trung Quốc tăng cường sản xuất khí đốt trong nước, và việc vận chuyển LNG trên bộ từ Nga có thể gia tăng nếu các đường ống mới được xây dựng. Nhà phân tích cấp cao của CNOOC, ông Xie Xuguang, đã cảnh báo vào tháng trước rằng nguồn cung dư thừa có thể làm tăng nguy cơ các cảng nhập khẩu LNG không hoạt động thường xuyên.

Tuy vậy, tình trạng mất điện và thiếu hụt khí đốt trong vài năm qua đã thay đổi suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, những người hiện đang coi trọng vấn đề an ninh năng lượng hơn là việc các nhà nhập khẩu nhiên liệu đứng trước khả năng cung vượt cầu - theo các nguồn tin là thương nhân.

Vấn đề thiếu than - nhiên liệu chính để sản xuất điện của Trung Quốc - đã gây ra tình trạng cắt điện trên diện rộng đối với các nhà máy ở nước trong một thời gian ngắn vào năm 2021, trong khi sản lượng thủy điện giảm đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vào năm 2022, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Phản ứng lại tình trạng này, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng công suất khai thác than và sản lượng than đã tăng lên mức kỷ lục, giữ cho các kho chứa luôn có đủ hàng và giúp giảm nhập khẩu than trong năm ngoái.

Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc muốn làm điều tương tự với khí đốt. Theo giới thạo tin, Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty năng lượng lớn trong nước tăng sản lượng khí đốt trong nước, cắt giảm chi phí khoan tìm để tăng khả năng tự cung tự cấp.

Ông Michal Meidan, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nhận định với Bloomberg: “Do việc xây dựng các đường ống khí đốt mới đang được thảo luận nhưng vẫn chưa được triển khai, các nhà nhập khẩu khí đốt Trung Quốc vẫn đang tìm cách đảm bảo nguồn cung” từ thị trường LNG.

Càng ký nhiều thỏa thuận nhập khẩu khí đốt, Trung Quốc sẽ càng có nhiều quyền kiểm soát đối với nguồn cung LNG toàn cầu. Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng thị trường, thông qua việc bán lại những lô hàng đã ký hợp đồng mua cho những người mua cần kíp nhất mỗi khi nhu cầu khí đốt ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp yếu. Xu hướng này được dự báo sẽ còn mở rộng khi các thoả thuận mới bắt đầu có hiệu lực trong thập kỷ này.

“Những khách mua lớn và ổn định hơn thường có sức mạnh đàm phán lớn hơn so với những khách mua nhỏ và mới xuất hiện. Việc tiếp tục ký những hợp đồng dài hạn là một quyết định logic”, chuyên gia Xi của Rystad nói.