10:41 26/11/2007

Khó kiểm soát giá tăng

Anh Quân

Việc khống chế mức tăng giá dưới 0,3-0,5% trong những tháng cuối năm như mục tiêu Chính phủ đặt ra là khó thực hiện

Không chỉ có các loại thịt tăng giá, rau cũng tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Không chỉ có các loại thịt tăng giá, rau cũng tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Việc khống chế tăng giá đang thực sự gặp nhiều khó khăn bởi theo quy luật, những tháng cuối năm thường có mức độ tăng giá cao hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng và lượng tiền mặt đưa vào lưu thông tăng.

Mức tăng giá tính đến cuối tháng 10/2007 đã là 8,12% (so với tháng 12/2006). Nhiều chuyên gia nhận định, việc khống chế mức tăng giá dưới 0,3-0,5% trong những tháng cuối năm như mục tiêu Chính phủ đặt ra là khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện nay.

Mặc dù Chính phủ đã áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm ổn định chỉ số giá tiêu dùng như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược, kìm hãm giá xăng, dầu… nhưng giá thực phẩm vẫn tăng chóng mặt, đặc biệt giá thịt lợn đã tăng ở mức kỷ lục. Theo giới kinh doanh, nguyên nhân chủ yếu là do khan hiếm nguồn nguyên liệu.

Ông Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, giá lợn thịt tăng hàng ngày, nhưng khó tìm được nguồn hàng để mua. Nhiều trại nuôi lợn ở miền Đông đang ở trong tình trạng hết lợn thịt. Các khu vực ở miền Trung, miền Bắc cũng thiếu lợn thịt nghiêm trọng. Nhiều đầu nậu phải vào tận các tỉnh phía Nam nhập thịt lợn khiến cho mặt hàng này càng khan hiếm hơn.

Các công ty Vissan, Nam Phong, CP đều đã phải tăng giá bán lẻ các loại thịt lợn từ 1.000 đồng/kg đến 9.000 đồng/kg, tùy loại. Không chỉ thịt heo, giá các mặt hàng thủy hải sản, thịt gà, rau củ cũng tăng khá cao, có loại tăng giá đến 15%.

Trong "cơn bão” giá, thực phẩm chế biến cũng đã được điều chỉnh theo giá mới. Công ty Vissan vừa chính thức tăng giá các mặt hàng xúc xích, đồ nguội, đồ hộp thêm từ 5%- 7%. Giá nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến tại các chợ như giò, chả, thức ăn làm sẵn cũng tăng thêm 13%- 14%.

Không chỉ có các loại thịt tăng giá, rau cũng tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại các chợ đầu mối, giá các mặt hàng như bắp cải, cà rốt, khoai tây... đều tăng từ 20% cho đến 30%. Cá biệt có loại tăng 50% mà người bán vẫn kêu trời vì khó lấy hàng.

Theo nhiều người kinh doanh thực phẩm, vào thời điểm này, các chủ vườn, chủ trang trại đang “găm" lại hàng để chờ dịp cuối năm. Trong khi đó, các đơn vị chế biến cũng đang tăng cường thu mua nguyên liệu để dự trữ sản xuất hàng Tết nên đẩy giá nhiều mặt hàng tăng cao.

Trước xu thế tăng giá dầu thế giới, vừa qua, Chính phủ đã cho phép xăng tăng giá 6-7%; giá bán dầu diezel tăng 13% và giá dầu ma dút tăng 12%. Nhiều hãng vận tải taxi, xe buýt, các công ty vận tải đường dài cho biết đang rục rịch tăng giá cước. Việc điều chỉnh giá bán các loại xăng dầu được nhận định là nguyên nhân chính làm nhiều sản phẩm thiết yếu tăng giá "ăn theo".

Không liên quan đến việc tăng giá cả hàng hóa trong nước, nhưng giá thép cũng đang có chiều hướng tăng lên. Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo giá thép xây dựng có thể tăng thêm 1 triệu đồng/tấn, vượt ngưỡng 13 triệu đồng/tấn do thông tin Trung Quốc sẽ nâng thuế xuất khẩu phôi thép lên 25% vào đầu năm tới.

Tại siêu thị, các mặt hàng gia dụng đang cố “kìm hãm” giá bán. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, với tốc độ lạm phát hiện nay khó có mặt hàng nào có thể giữ nguyên giá bán cho đến cuối năm.