"Khoảng một nửa khách hàng chưa có smartphone nhưng có nhu cầu dùng dịch vụ số"
Viettel định hướng sẽ triển khai dịch vụ Mobile Money đi từ nông thôn ra thành thị để phục vụ người dân có cuộc sống tốt hơn
Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, Viettel định hướng sẽ triển khai dịch vụ Mobile Money đi từ nông thôn ra thành thị để phục vụ người dân có cuộc sống tốt hơn.
Tổng công ty Dịch vụ số Viettel đặt mục tiêu phục vụ 26 triệu khách hàng sử dụng hệ sinh thái số của Viettel, đòi hỏi phải có hệ sinh thái số đủ hấp dẫn và tiện ích. Các ông đã chuẩn bị điều này như thế nào?
Viettel đã xây dựng một hệ sinh thái số gồm rất 4 hạng mục chính. Thứ nhất là các giải pháp quản trị số nhắm đến các công cụ cho các cơ quan quản lý, cơ quan của chính phủ, phục vụ hành chính công. Thứ hai, Viettel có công ty Viettel Media hiện đang cung cấp rất nhiều nội dung số như dịch vụ truyền hình, dịch vụ nội dung, OTT…
Còn lại là 2 trụ cột rất quan trọng mà Viettel đã nghiên cứu và phát triển từ nhiều năm là dịch vụ tài chính số và thương mại số với các sản phẩm như BankPlus, ViettelPay, ViettelPay Pro... Chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2020 phục vụ 26 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ không chỉ những khách hàng đã từng tải app hoặc đã từng đăng ký.
Thực tế còn nhiều khách hàng chưa có smartphone nhưng cũng có nhu cầu thanh toán tiền điện, nước… Đây có là thách thức đối với Tổng công ty Dịch vụ số Viettel hay không?
Nhiều công ty, startup trong lĩnh vực thanh toán số, thương mại số chỉ tập trung vào thành thị, chúng tôi lại coi đây là cơ hội rất lớn cho Viettel, vì chỉ có nhà mạng viễn thông mới có thể đem đến những công nghệ, tiện ích, dựa vào nền tảng kênh phân phối rộng khắp của mình để len lỏi đến tận đến bản làng xa xôi, phục vụ cả những khách hàng đang dùng điện thoại "cục gạch", không có kết nối Internet vẫn có thể tận hưởng các dịch vụ số của Viettel.
Mobile Money được cho là có cơ hội lớn nhưng lại gặp khó khăn về vấn đề pháp lý và sự đồng bộ của các đơn vị chấp nhận thanh toán. Các ông giải quyết những rào cản đó như thế nào?
Hiện nay hành lang pháp lý cho Mobile Money chưa có nên nếu áp dụng tất cả luật, nghị định, thông tư hiện tại sẽ không giải quyết được vấn đề này. Chính vì thế, Viettel mới đề xuất Chính phủ cho phép được thí điểm cung cấp Mobile Money.
Khi được Thủ tướng đồng ý đề án thí điểm này chúng ta sẽ biết cần chỉnh sửa thế nào cho phù hợp để bùng nổ và phát triển. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2019 này Viettel có thể thí điểm Mobile Money.
Nhiều dịch vụ tiện ích xã hội như thu phí không dừng thì phải là có điểm thu phí không dừng, hay khi đi siêu thị chúng ta phải chấp nhận việc thanh toán quét QR code để trả. Vậy Viettel sẽ xây dựng hệ sinh thái này và thúc đẩy nó như thế nào?
Để phục vụ 26 triệu khách hàng, chúng tôi cần xây dựng một hạ tầng về chấp nhận thanh toán, người cung cấp dịch vụ, người bán hàng. Chúng tôi tin rằng cần phải có tối thiểu 600.000 điểm hạ tầng như thế trên khắp cả nước. Tư duy của Viettel luôn là hạ tầng đi trước, và chúng tôi sẽ triển khai hạ tầng dịch vụ số này đến tận vùng sâu vùng xa chứ không chỉ ở thành thị, thúc đẩy hạ tầng sẽ đi trước để sẵn sàng phục vụ cho Mobile Money.
Hiện không chỉ có thuê bao Viettel mới có nhu cầu sử dụng hệ sinh thái số. Vậy những thuê bao ngoài mạng Viettel có sử dụng được dịch vụ số của Viettel hay không?
Mục tiêu của chúng tôi là phục vụ toàn dân Việt Nam, vì vậy ngay từ khi xây dựng sản phẩm, chúng tôi đều hướng tới không chỉ có thuê bao Viettel mà cả những mạng viễn thông khác đều có thể dùng được, không cần biết người ấy ở đâu, bao nhiêu tuổi, dùng mạng gì... chúng tôi đều phục vụ.
Ở nhiều nước như Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc người dân ra đường không cần mang ví để mua bán và thanh toán dịch vụ, tại Việt Nam khi nào chúng ta mới làm được điều đó?
Tôi tin rằng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0 ở Việt Nam như hiện nay, trong vòng 3-5 năm nữa, người dân Việt Nam về cơ bản sẽ không cần cầm ví tiền ra ngoài. Với những hàng hoá giá trị nhỏ như cốc trà đá, gửi xe, mua rau... đều có thể sử dụng điện thoại. Những món lớn hơn thì đã có tài khoản ngân hàng phục vụ.
Khi những nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile Money, nhiều người ta cho rằng đối tượng ảnh hưởng sẽ những ngân hàng, ông nghĩ gì về vấn đề này?
Các ngân hàng sẽ cực kỳ hưởng lợi từ Mobile Money. Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những món thanh toán nhỏ lẻ hàng ngày. Trong dự kiến, Viettel chỉ đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước mức chi tiêu tối đa với dịch vụ Mobile Money là từ 5 triệu đến 10 triệu.
Thực tế hiện nay các ngân hàng mới chỉ phục vụ được 30% dân số, nhưng nhờ Mobile Money họ có thể tiếp cận đến 70% dân số vì những khách hàng đã quen với cách thanh toán này.
Một vài người dùng có tài khoản mobile banking tự hỏi rằng tại sao họ cần dùng đến Mobile Money? Điểm khác nhau và lợi thế của các loại hình dịch vụ này là thế nào?
Thông thường chúng ta sẽ mất bao lâu để thanh toán một cốc trà đá hay mua 1 bánh xà phòng ở cửa hàng? Một máy POS để khách hàng quẹt thẻ có giá gần 500 USD nên vô cùng khó đầu tư cho các quán trà đá và cửa hàng nhỏ, chưa kể giấy, đường điện, đường truyền kết nối Internet ở một điểm như vậy để thanh toán qua thẻ ngân hàng là không hề dễ. Nhưng với Mobile Money khách hàng chỉ rút điện thoại ra và chạm một chạm là hoàn thành.