Khối tiền mặt của doanh nghiệp Mỹ giảm mạnh
Đây là lần giảm đầu tiên trong 11 năm qua
Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (Moody's), tính tới cuối năm 2018, các công ty phi tài chính của Mỹ đang nắm giữ khối tiền mặt 1.690 tỷ USD, giảm 15% so với 1.990 tỷ USD vào cuối năm 2017.
Theo CNN, đây là lần giảm đầu tiên kể từ khi Moody's bắt đầu theo dõi khối tiền mặt của các công ty phi tài chính Mỹ vào năm 2007. Điều này phản ánh sự thay đổi lớn do cải cách thuế năm 2017, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và các đợt mua lại cổ phiếu lớn của các doanh nghiệp. Báo cáo của Moody's dự báo xu hướng giảm sẽ còn tiếp diễn.
5 công ty nhiều tiền mặt nhất tại Mỹ (Đơn vị: Tỷ USD) - Nguồn: Moody's/CNN.
5 công ty nhiều tiền mặt nhất tại Mỹ gồm Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon và Facebook, với khối tiền mặt giảm tổng cộng 111 tỷ USD.
Riêng Apple nắm giữ 245 tỷ USD tiền mặt tính tới cuối năm 2018, giảm gần 17% so với năm trước đó. Dù vậy, khối tiền mặt của hãng công nghệ khổng lồ này vẫn lớn hơn tổng số tiền mặt của các công ty không thuộc lĩnh vực công nghệ, theo báo cáo của Moody's.
Vậy lượng lớn tiền mặt trên đã đi đâu? Theo Moody's, năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã đẩy mạnh chi tiêu, chi lượng tiền lớn cho các thương vụ thâu tóm với con số tổng cộng lên tới 405 tỷ USD, tăng gần 15%. Tiền mặt dành cho chi trả cổ tức cũng tăng nhẹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tăng đầu tư vào nhà máy, phần mềm - tăng tới 12% lên mức kỷ lục 851 tỷ USD.
Tuy nhiên, như nhiều người dự đoán sẽ xảy ra sau khi chính sách thuế mới được thông qua, các doanh nghiệp Mỹ đã dành lượng tiền lớn để mua lại cổ phiếu với giá trị ròng tăng tới 99% lên mức kỷ lục 467 tỷ USD, theo Moody's.
Chỉ riêng các hãng công nghệ đã mua lại 260 tỷ USD cổ phiếu, trong đó chiếm nhiều nhất là Apple với 71 tỷ USD, gần gấp đôi so với công ty ở vị trí thứ hai là Oracle.
Theo Moody's, cải cách thuế là nguyên nhân chính khiến các công ty đua nhau mua lại cổ phiếu bởi họ được hưởng ưu đãi thuế khi mang lượng tiền mặt đang nắm giữ ở nước ngoài về Mỹ. Moody's dự báo làn sóng mua lại cổ phiếu sẽ giảm trong năm 2019.
Bên cạnh đó, theo Moody's, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguyên nhân đã ảnh hưởng tới mức chi tiêu và đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ trong năm 2018.
"Các hoạt động kinh tế đã bắt đầu giảm tốc từ nửa đầu năm 2018", Moody's cho biết trong báo cáo. "Căng thẳng thương mại leo thang khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong đầu tư và điều này sẽ làm suy giảm các điều kiện kinh doanh trong năm 2019".
Chiến tranh thương mại và các tín hiệu cảnh báo trên thị trường trái phiếu làm dấy lên những quan ngại về tăng trưởng giảm tốc hay thậm chí suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
Sự suy giảm này có thể gây khó khăn cho các công ty đang gánh nhiều nợ. Các công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn có thể sẽ buộc phải giảm mạnh chi tiêu hoặc sa thải nhân viên. Và điều này sẽ làm trầm trọng thêm cơn suy thoái, Moody's nhận định.
Tuy vậy, theo báo cáo, năm 2018, khối nợ của các doanh nghiệp phi tài chính Mỹ ở mức 5.650 tỷ USD, chỉ giảm 80 tỷ USD so với năm trước đó - mức giảm thấp nhất kể từ năm 2009.