09:46 30/12/2008

“Không hiểu tại sao có nhiều tin đồn dữ vậy?”

Linh San

Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) nói về tin đồn phá sản của công ty này

Trụ sở mới của VNDirect tại số 1 Nguyễn Thượng Hiền – Hai Bà Trưng - Hà Nội - Ảnh: Lê Tâm.
Trụ sở mới của VNDirect tại số 1 Nguyễn Thượng Hiền – Hai Bà Trưng - Hà Nội - Ảnh: Lê Tâm.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) vừa có cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh tin đồn phá sản của công ty này.

Hiện nay đang có một số tin đồn liên quan đến việc VNDirect nộp đơn phá sản. Xin bà cho biết thực hư chuyện này là thế nào?

Chúng tôi cũng không hiểu tại sao trong năm 2008, VNDirect lại có nhiều những tin đồn dữ đến như vậy, trong khi hoạt động của công ty ngày càng khẳng định uy tín về chất lượng dịch vụ cũng như thương hiệu trên thị trường.

Phải nói rằng 2008 là năm thực sự khó khăn đối với thị trường tài chính Việt Nam và chúng tôi cũng không thể tránh khỏi các rủi ro biến động của thị trường, nhưng tôi khẳng định rằng tình hình tài chính của VNDirect hiện rất lành mạnh và công ty vẫn đang tiếp tục đầu tư và phát triển bền vững.

Tôi nhận thấy gần đây, không chỉ riêng VNDirect mà cả một số  các doanh nghiệp và cá nhân có uy tín khác đã và đang trở thành nạn nhân của các thông tin bịa đặt. Những âm mưu đằng sau tin đồn có thể là sự cạnh tranh không lành mạnh hoặc còn có lý do gì khác tôi thực sự cũng đang cùng các cơ quan chức năng và công an tìm hiểu để giúp cho thị trường ngày càng lành mạnh hơn.
 
Vậy thì việc thị trường giảm sút đã dẫn đến những khó khăn gì cho VNDirect nói riêng và các công ty chứng khoán nói chung?

Năm 2008 Việt nam trở thành quốc gia có thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trên thế giới, so với đầu năm 2008 thì những ngày cuối tháng 12/2008 thị trường đã sụt giảm đến gần 70%.

Khối lượng và giá trị giao dịch bình quân ngày cũng rất nhỏ nhoi trong khi thị trường có tới cả trăm công ty chứng khoán được cấp giấy phép hoạt động. Đối với các công ty chứng khoán, hoạt động môi giới vẫn được coi là một hoạt động cốt lõi khi mà hoạt động tự doanh hay tư vấn cũng đều sụt giảm và khó khăn, chưa kể đến nhiều công ty đầu tư tự doanh cho kết quả thua lỗ.

Cứ làm một phép tính như sau: nếu giá trị giao dịch bình quân hàng ngày khoảng 500-700 tỷ VND và mức phí giao dịch khoảng 0,3% ( thực tế còn thấp hơn) thì toàn thị trường thu được khoảng 2 tỷ đồng tiền phí môi giới mỗi ngày, như vậy ngay cả các công ty chứng khoán lớn nhất có thị phần trên 10% cũng chỉ thu được một khoản phí môi giới rất khiêm tốn so với chi phí công ty phải chịu hàng tháng thuê mặt bằng, trả lương nhân viên...

Với các công ty có thị phần nhỏ hơn 1% (tức mỗi ngày thu được chỉ mươi triệu đồng tiền phí môi giới) thì coi như đang chịu lỗ rất lớn.

VNDirect chúng tôi cũng đang phải  gắng sức vượt qua khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói riêng.
 
Các công ty tư vấn cho biết hiện đã có một số công ty chứng khoán kinh doanh thua lỗ và đang có nhu cầu giao bán. Theo bà, việc mua lại và sáp nhập các công ty chứng khoán liệu có trở thành xu hướng không? Tại sao?

Đối với một thị trường nhỏ như ở Việt Nam thì 100 công ty chúng khoán quả là con số không cần thiết và không hợp lý, như vậy sẽ chỉ có một số công ty đủ sức vươn lên, tồn tại và phát triển. Một số công ty khác thua lỗ nhiều sẽ phải tìm cách sáp nhập lại với nhau hoặc tuyên bố phá sản.

Trên mạng vừa rồi tôi cũng có đọc thấy một số thông tin công bố tìm đối tác mua lại công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Tôi nghĩ rằng phương án chủ động sát nhập sẽ tốt hơn nhiều so với việc đợi đến lúc bị bắt buộc ngừng hoạt động do không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động và phải tuyên bố phá sản.

Bà có dự báo gì về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2009?

Nửa đầu 2009, kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những diễn biễn xấu đi, tuy nhiên mọi thứ sẽ dần trở nên ổn định và khi mọi người bắt đầu có thể dự báo được rõ hơn tương lai, thị trường chứng khoán sẽ có những bước tăng trưởng tích cực.

Kinh nghiệm những lần khủng hoảng trước đây cho thấy, thị trường chứng khoán luôn phục hồi trước khi nền kinh tế khởi sắc trở lại.

Trong năm 2009, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thể hiện sự gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường chứng khoán thế giới. Nếu kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam dần bình ổn trở lại trong 2 quý tới, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng sẽ khởi sắc từ giữa năm 2009.