10:49 26/12/2016

“Không quản được sim rác thì thay người đứng đầu”

Thủy Diệu

“Phải cương quyết xử lý bằng được sim rác, tin nhắn rác và thậm chí là cả cuộc gọi rác”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu kết luận&nbsp;<span style="font-family: &quot;Times New Roman&quot;; font-size: 14.6667px;">tại hội thảo.</span>
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu kết luận&nbsp;<span style="font-family: &quot;Times New Roman&quot;; font-size: 14.6667px;">tại hội thảo.</span>
Việc xử lý sim rác là trách nhiệm chính của các nhà mạng, nếu làm không được thì thay, xử lý người đứng đầu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói tại hội thảo chuyên đề của Bộ Thông tin và Truyền thông về "Quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới" diễn ra cuối tuần qua.

Tại đây, nhiều vấn đề bất cập về vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, như sim tràn lan, quản lý lỏng lẻo về đăng ký thuê bao di động, khó kiểm tra, quản lý sim rác, khó phối hợp giữa địa phương với doanh nghiệp viễn thông để xử lý sim rác, tin nhắn rác… đã được lãnh đạo các Sở thông tin và truyền thông các tỉnh thành nêu ra.

"Chưa bao giờ quyết liệt như thế"

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM nói rất mừng vì Bộ cương quyết trong việc xử lý sim rác, tin nhắn rác. Theo ông, hiện Tp.HCM có khoảng 13 triệu dân, nếu thanh tra Sở với mấy người phải “dàn hàng” đi kiểm tra, thanh tra sim rác thì không thể nào làm được, trước đây Tp.HCM cũng đã làm rồi nhưng không hiệu quả.

Khó khăn nữa là đơn vị viễn thông trên địa bàn không cung cấp cho Sở danh sách sim thu hồi, khi Sở làm việc về vấn đề xử lý sim rác, quản lý thuê bao trả trước thì các doanh nghiệp dây dưa, không có trả lời cụ thể. 

Vì thế, theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, vấn đề chính là ở doanh nghiệp viễn thông và cần phải “siết” doanh nghiệp. Phải có cơ chế rõ ràng, cơ chế phối hợp giữa Trung ương, địa phương và doanh nghiệp thì mới thực hiện hiệu quả được.

Đại điện Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho rằng, sim được kích hoạt sẵn có thể mua ở bất cứ đâu, việc quản lý khá thoáng thuê bao di dộng dẫn đến khó quản lý, nhất là về an ninh quốc gia. Kho số là tài nguyên, phải quản lý nếu không sẽ cạn kiệt, vì thế, vị này đề nghị mỗi người được sở hữu không quá hai thuê bao của một nhà mạng để chống tình trạng một cá nhân sử dụng đăng ký nhiều thuê bao.

Đến từ Thanh Hóa, lãnh đạo sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này nêu ý kiến cần công khai, minh bạch những công ty được làm dịch vụ quảng cáo tin nhắn (SMS), tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này hoạt động, từ đó giảm thiểu sim rác không nguồn gốc nhắn tin quảng cáo. Còn đại diện đến từ Hà Tĩnh thì mong muốn cần có cách thức để giúp người dân đăng ký lại hoặc chuyển đổi sang thuê bao trả sau dễ dàng.

Hồi đáp các ý kiến đến từ các sở ngành, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho rằng, chưa bao giờ làm quyết liệt để dẹp loạn sim rác như đợt vừa rồi. Đợt đầu tiên, tháng 11, đã khóa khoảng 11 triệu sim. Và đợt thứ hai, mới đây thêm khoảng 4 triệu nữa, như vậy có khoảng hơn 15 triệu tài khoản bị khóa. Cục đang phối hợp với các cơ quan của Bộ và các địa phương để tiếp tục thực hiện và giám sát các nhà mạng thực hiện kiểm tra và xử lý sim rác.

“Sau hai đợt này sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với vấn đề sim trả trước, sim rác, khuyến cáo người dân đang sử dụng sim không chính chủ đi đăng ký lại, đầy đủ thông tin”, ông Trung cho biết.

“Không quản được sim rác thì thay người đứng đầu”

Theo Cục trưởng Nguyễn Đức Trung, đến giờ vẫn chưa có khái niệm cụ thể thế nào là sim rác, tuy nhiên, nôm na là những sim không chính chủ, không đăng ký thông tin đầy đủ, và người dân thường lợi dụng khuyến mại lớn của những nhà mạng để dùng sim rác.

Nguồn gốc của sim rác là việc phát triển thuê bao trả trước nóng, quản lý lỏng lẻo. Vì thế, theo lãnh đạo Cục Viễn thông, là cần phát triển thuê bao trả sau, hạn chế phát triển thuê bao trả trước, tăng khuyến mãi, ưu đãi cho thuê bao trả sau, giảm đối với trả trước, đồng thời nâng mức phạt đối với doanh nghiệp vi phạm. 

Quảng cáo chính danh qua SMS thì rất khó làm, đắt đỏ, trong khi qua sim rác thì rất dễ, vì thế, thời gian tới, Cục sẽ nghiên cứu có chính sách đơn giản hóa thủ tục, giảm giá đăng ký tin nhắn quảng cáo chính thức, khi đó khách hàng cần sẽ đọc, còn không muốn bị làm phiền có thể đăng ký từ chối từ trước.

Hiện đang xây dựng Nghị định về quản lý, mua bán các bộ KIT và sim cơ bản; đơn giản hóa, đa dạng hóa cách đăng ký thuê bao; tăng cường chế tài xử phạt theo đầu số thuê bao vi phạm; quản lý chặt chẽ sim chỉ dùng riêng cho dịch vụ data, sim nghiệp vụ, ông Trung cho biết.

Tỏ ra quyết liệt đối với việc xử lý sim rác và tin nhắn ra, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, bây giờ không chỉ tin nhắn rác mà còn là cuộc gọi rác, mời chào mua bán đủ thứ và tới đây sẽ xử lý mạnh cả cuộc gọi rác.

Ông Tuấn ví dụ ngay chính bản thân, mới đây, khi ông đang ngồi họp thì có số điện thoại lạ gọi tới. “Cuộc gọi đầu tiên tôi không nghe. Thứ hai tôi cũng không nghe. Nhưng đến cuộc thứ ba, nghĩ ai đó có việc gì quan trọng mới gọi, nhưng khi nhấc máy thì thấy lời giới thiệu dịch vụ từ người gọi”, Bộ trưởng kể.

“Mong muốn của Bộ Thông tin và Truyền thông là dịch vụ viễn thông không mang lại những phiền phức cho người dùng mà thay vào đó là sự tiện lợi, hài lòng cho người dân", ông Tuấn nói và cho biết sắp tới sẽ có chế tài để tăng cường phát triển thuê bao trả sau. 

Ngoài ra, cùng chính sách trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, việc xử lý sim rác là trách nhiệm chính của các nhà mạng, nếu làm không được thì thay, xử lý người đứng đầu. Vì kho số, tài nguyên số cấp cho doanh nghiệp, nếu “ông” không quản lý, không xử lý được thì ai làm được.

“Phải cương quyết xử lý bằng được sim rác, tin nhắn rác và thậm chí là cả cuộc gọi rác”, người đứng đầu ngành thông tin – truyền thông, quả quyết.