00:14 02/09/2019

Không thu hẹp bảo lãnh ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước lo an ninh tiền tệ

Nguyễn Lê

Ngân hàng Nhà nước đề nghị thu hẹp phạm vi các dự án được Chính phủ bảo đảm cân đối ngoại tệ tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi)

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, dự trữ ngoại hối nhà nước đã cải thiện nhưng chưa thực sự vững chắc và vẫn thấp hơn mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, dự trữ ngoại hối nhà nước đã cải thiện nhưng chưa thực sự vững chắc và vẫn thấp hơn mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị thu hẹp phạm vi các dự án được Chính phủ bảo đảm cân đối ngoại tệ tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Đây là dự thảo luật vừa được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tiến hành trẩm tra, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp tháng 9 tới đây, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Tại công văn góp ý dự thảo luật phát hành tháng 7/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, vào tháng 2/2019 cũng đã có công văn số 757 góp ý về sửa luật này, trong đó có góp ý liên quan đến vấn đề bảo lãnh ngoại tệ, nhưng chưa được tiếp thu/giải trình cụ thể.

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gửi lại công văn số 757 để Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật.

Khoản 2 điều 10 Luật Đầu tư 2014 quy định: căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chính sách quản lý ngoại hối và khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

Theo Ngân hàng Nhà nước thì Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn luật hiện nay đã quy định mở rộng diện dự án được đảm bảo cân đối ngoại tệ so với Luật Đầu tư năm 2005.

Cụ thể, Luật Đầu tư năm 2005 chỉ giới hạn phạm vi bảo lãnh ngoại tệ của Chính phủ trong các lĩnh vực năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý chất thải. Trong khi Luật Đầu tư năm 2014 quy định chung về việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngoại tệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác (khoản 2 điều 10).

Công văn của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, thời gian qua, dự trữ ngoại hối nhà nước đã cải thiện nhưng chưa thực sự vững chắc và vẫn thấp hơn mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, mục tiêu chính của dự trữ ngoại hối nhà nước là để đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối nhà nước còn được sử dụng để đáp ứng cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước và quốc phòng an ninh theo quyết định của Thủ tướng.

"Việc bảo lãnh cân đối ngoại tệ với quy mô lớn sẽ gây áp lực rất lớn đến dự trữ ngoại hối nhà nước, vượt quá sức chịu đựng của dự trữ ngoại hối nhà nước, đe doạ đến an ninh tiền tệ quốc gia", Ngân hàng Nhà nước lo ngại.

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước cũng dẫn lại kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về rà soát, đánh giá nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ cho các dự án theo ngành, lĩnh vực. Theo đó, về chủ trương, Chính phủ không xét, cấp bảo lãnh, hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật và quyết định của Thủ tướng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu, pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối đã quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư về quyền mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng để chuyển ra nước ngoài đối với vốn, lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong trường hợp cần thiết, khi thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường ngoại tệ, việc bán can thiệp được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Do đó, Chính phủ không nên cam kết bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ cho từng dự án mà để thị trường đáp ứng và Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động can thiệp khi cần thiết (khi cung cầu ngoại tệ trên thị trường mất cân đối) theo cơ chế ngoại hối nêu trên, Ngân hàng Nhà nước bày tỏ quan điểm.

Với các lý do nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đề nghị chỉnh sửa lại nội dung khoản 2 điều 10 Luật Đầu tư 2014 theo hướng thu hẹp phạm vi các dự án được Chính phủ xem xét, bảo đảm cân đối ngoại tệ. Cụ thể là "không  áp dụng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ với các ngành, lĩnh vực nói chung; chỉ quy định cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ đối với một số dự án đặc biệt nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng tỷ lệ hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ cho từng dự án cụ thể".

Dù Ngân hàng Nhà nước kiên trì nêu đi nêu lại đề nghị về vấn đề bảo lãnh ngoại tệ khi sửa luật, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Uỷ ban Kinh tế thẩm tra chiều 29/8 , khoản 2 điều 11 vẫn quy định y như khoản 2 điều 10 của Luật Đầu tư 2014, chỉ thay cụm từ quyết định chủ trương đầu tư bằng chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo tờ trình dự án luật thì lần sửa đổi này đã bổ sung khái niệm "chấp thuận chủ trương đầu tư" để làm rõ mục đích, bản chất của việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án.

Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương... được Bộ Kế hoạch và đầu tư hoàn thành ngày 27/8/2019 cũng không đề cập gì đến nội dung đã được Ngân hàng Nhà nước kiên trì đề nghị nói trên.