13:45 14/06/2010

Khủng hoảng nợ đe dọa ngân hàng Pháp, Đức

Kiều Oanh

Các ngân hàng của Pháp và Đức đã cho vay các nước nặng nợ nhất ở châu Âu gần 1.000 tỷ USD

Các ngân hàng của Pháp, Đức có nguy cơ bị bão nợ công tàn phá.
Các ngân hàng của Pháp, Đức có nguy cơ bị bão nợ công tàn phá.
Các ngân hàng của Pháp và Đức đã cho các nước nặng nợ nhất ở châu Âu vay gần 1.000 tỷ USD và giờ đây đang có nguy cơ bị tàn phá bởi bão nợ công, lớn hơn so với hệ thống nhà băng ở bất kỳ một quốc gia nào khác.

Theo tờ New York Times, báo cáo mới đây của ngân hàng International Settlements (BIS) có trụ sở ở Basel (Thụy Sỹ), chuyên về thanh toán bù trừ cho các ngân hàng trung ương, cho biết, tính tới cuối năm 2009, các ngân hàng Pháp đã cho Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland vay số tiền 493 tỷ USD. Đối với các ngân hàng Đức, con số này là 465 tỷ USD.

Không chỉ các ngân hàng Pháp và Đức cho vay nhiều đối với các quốc gia nói trên, mà các ngân hàng Anh cũng cho Ireland vay 230 tỷ USD, còn các nhà băng Tây Ban Nha thì cho Bồ Đào Nha vay 110 tỷ USD.

Tây Ban Nha là con nợ lớn nhất trong số các quốc gia này. Phần lớn đối tượng vay là các công ty, cá nhân hoặc các ngân hàng khác. Nợ chính phủ chỉ chiếm một phần nhỏ.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề nợ công, nợ của khu vực tư nhân tại các quốc gia Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland cũng đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, vì các chương trình thắt lưng buộc bụng của chính phủ ở đây cùng với suy giảm kinh tế có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thanh toán nợ của khu vực tư nhân.

New York Times bình luận, báo cáo này đã cho thấy, rủi ro mà các nhà băng của Pháp và Đức đang phải đương đầu tập trung ở các quốc gia gánh nhiều nợ nần ở châu Âu. Nguy cơ leo thang và lan rộng của khủng hoảng nợ công ở khu vực này khiến các ngân hàng Pháp và Đức có thể sẽ không thu hồi đủ số tiền mà họ đã cho vay. Tuy vậy, số tiền cho vay của các ngân hàng cụ thể đã không được BIS công bố vì các quy định về bảo mật.

Hiện đã có một số ngân hàng tự nguyện công bố mức độ liên quan của họ tới các khoản nợ công. Ngân hàng cho vay bất động sản Hypo Real Estate Holding của Đức mới đây cho biết, họ đang nắm giữ số nợ công của Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Italy trị giá khoảng 97 tỷ USD. Ngân hàng Deutsche Bank thì tuyên bố, họ chỉ nắm giữ 500 triệu Euro trái phiếu Hy Lạp và không hề mua nợ công của Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, không phải định chế nào cũng chịu lựa chọn cách làm này. Hàng trăm hàng ngàn ngân hàng nhỏ cho vay thế chấp nhà, các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tiết kiệm vốn thống trị hệ thống nhà băng ở các quốc gia như Đức, Tây Ban Nha… cung cấp rất ít thông tin về những tài sản mà họ đang nắm giữ.

Báo cáo của BIS cho biết, Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp nợ gần 1.600 tỷ USD vay từ các ngân hàng thuộc 16 nước thành viên Eurozone. Các khoản nợ này bao gồm cả nợ chính phủ, nợ vay tín dụng dành cho các công ty và khách hàng cá nhân ở 4 quốc gia nói trên, trong đó vốn tín dụng do các ngân hàng Đức và Pháp cung cấp chiếm 61% tổng số tiền vay.

Sự bưng bít thông tin về mức độ liên quan tới các chính phủ nặng nợ đã dẫn tới tình trạng mất niềm tin giữa các định chế tài chính ở châu Âu, cản trở hoạt động cho vay liên ngân hàng ở thị trường khu vực và buộc Liên minh châu Âu (EU) tung ra gói giải cứu trị giá gần 1.000 tỷ USD.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng phải can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ khu vực đồng tiền chung châu Âu để tăng cường tính thanh khoản. ECB đã gây áp lực với các nhà chức trách EU về việc công khai dữ liệu nhằm xác định những ngân hàng đang ở thế rủi ro cao nhất và những ngân hàng ở trạng thái ổn định. Đây được xem là một biện pháp quan trọng để cải thiện niềm tin cho thị trường và tránh những cú sốc có thể xảy ra.