11:50 21/12/2009

Khung pháp lý cho tập đoàn kinh tế sau 5 năm thí điểm

M.Chung

Điểm mới nổi bật nhất của Nghị định 101/2009/NĐ-CP là tập đoàn kinh tế được quyền quyết định tiền lương

Theo Nghị định 101, công ty mẹ sẽ được quyền quyết định thang, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động và cán bộ quản lý trên cơ sở quy định về lương tối thiểu của Nhà nước.
Theo Nghị định 101, công ty mẹ sẽ được quyền quyết định thang, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động và cán bộ quản lý trên cơ sở quy định về lương tối thiểu của Nhà nước.
Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2009.

Nghị định này đã được Chính phủ ban hành ngày 5/11/2009. Sau gần 5 năm thí điểm xây dựng mô hình Tập đoàn kinh tế, đây là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng của Chính phủ quy định về lĩnh vực này.

Cụ thể, theo Nghị định 101, công ty mẹ sẽ được quyền quyết định thang, bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động và cán bộ quản lý trên cơ sở quy định về lương tối thiểu của Nhà nước, trừ các chức danh là chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng.

Đồng thời, công ty mẹ cũng được tự chủ quyết định đơn giá tiền lương theo nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương bình quân thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tiền lương.

Theo Nghị định 101, Chính phủ vẫn thống nhất thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ như thông qua việc quyết định thành lập mới, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty; quyết định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty; quyết định việc đầu tư, góp vốn đầu tư, liên doanh, liên kết theo thẩm quyền; phê duyệt chủ trương vay, cho vay, thuê, cho thuê của công ty...

Nghị định này cũng quy định, không thành lập một cơ quan riêng để quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn mà vẫn sử dụng bộ máy quản lý hành chính của các Bộ; việc đầu tư ra ngoài ngành sang những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… vẫn sẽ do Thủ tướng quyết định.

Ngoài ra, một số vấn đề khác về hoạt động và quản lý tập đoàn sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, để khuyến khích các tập đoàn phát triển, đồng thời nhằm mục đích nhà nước thực hiện được quyền sở hữu với tập đoàn.

Hiện Việt Nam có 9 tập đoàn kinh tế nhà nước đang hoạt động thí điểm, gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt) và mới đây nhất là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel)