Kịch bản xấu: Nếu chứng khoán thế giới yếu, covid kéo dài, VN-Index có thể giảm về 1.320 điểm
Nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu dầu khí, bán lẻ, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông hay cân nhắc mua mua một số ngành có thể có lợi thế trong đợt này như Dệt may, Thủy sản… do ảnh hưởng từ gián đoạn do dịch bệnh...
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố 7/7, Chứng khoán BSC đánh giá, làn sóng dịch bệnh kéo dài, tạo áp lực cho việc duy trì đà hồi phục trong những tháng còn lại năm 2021. Tác động dịch trong tháng năm, tháng sáu, khiến GDP tăng vừa phải 5,6% so với cùng kỳ. Nguồn cung vaccine được kỳ vọng tăng nhanh, có thể tác động tích cực tới việc phục hồi của vĩ mô.
BSC duy trì ước tính triển vọng GDP tại mức 6,2%, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến, kéo theo GDP tăng kém tích cực là 5,5%.
Một vài điều kiện khả năng tác động tiêu cực tới GDP: (1) phân phối vaccine Covid-19, (2) lao động kém tích cực, phản ánh qua việc lượng người lao động thời điểm cuối quý 2 giảm 5,9% so cùng kỳ 2020, giảm 7,9% so cùng kỳ 2019.
Trong quý 2, lượng doanh nghiệp dừng kinh doanh dài hạn tăng 25,7% so với cùng kỳ, giải thể tăng 33,8% (công nghiệp tăng 43,1%, dịch vụ tăng 30,9%), phản ánh tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với triển vọng hồi phục trong 2021, bối cảnh đợt bùng phát mới nhất chưa thể kiểm soát, bối cảnh phân phối vaccine mới bắt đầu triển khai mạnh trong một vài tuần cuối tháng.
BSC điều chỉnh dự báo xuất khẩu lên mức 13,5% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu tăng 16,8% vào năm 2021 do tăng trưởng xuất nhập khẩu vẫn duy trì được mức cao so với các năm trước bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 và tình trạng tiêm phòng vaccin đang được đẩy mạnh. CPI cuối quý 3 đạt mức 2,6%-2,8%.
P/E VN-Index cuối quý 2 ở mức 19,2, gia tăng so với quý trước, cao hơn 16,22% so với P/E bình quân 5 năm (16.52 lần) dù vậy vẫn khá thấp so với khu vực châu Á. P/E VN-Index dự báo tăng lên mức 19,5 trong quý 3.
Vốn hoá 3 sàn đạt 6,83 triệu tỷ đồng, tăng 16,39% so với thời điểm cuối quý 1. Với kịch bản VN-Index đạt 1.500 điểm vào cuối quý 3, dự báo vốn hóa tăng 6,5%. Tuy nhiên, thanh khoản giảm dần trong thời gian gần đây cho thấy sự thận trọng nhất định trong thời điểm hiện tại của các nhà đầu tư.
BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 3/2021.
Kịch bản 1: VN-Index duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1500 điểm. Dòng tiền từ các Quỹ ngoại quay trở lại đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào sử dụng. Làn sóng Covid thứ 4 được đẩy lùi. Kịch bản này được đánh giá cao
Kịch bản 2: VN-Index điều chỉnh về khu vực 1320 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, làn sóng Covid thứ 4 kéo dài và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn. Kịch bản này được đánh giá có khả năng xảy ra thấp hơn.
Các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường gồm: Tiếp tục giải ngân đầu tư công và chính sách tiền tệ nơi lỏng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng; Bộ máy lãnh đạo mới đẩy nhanh việc hoạch định, ban hành và thực thi các chính sách mới.
Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường trên thế giới, và Việt Nam chưa kết thúc đợt bùng phát thứ tư có thể ảnh hưởng tâm lý thị trường trong khi Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, Nga – EU, Trung Quốc – Đài Loan – Mỹ sẽ tác động tiêu cực.
Theo BSC, nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Dầu khí khi giá dầu tiềm năng quay trở lại đà tăng; nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như Bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như Công nghệ thông tin – Bưu chính viễn thông. Cân nhắc mua một số ngành có thể có lợi thế trong đợt này như Dệt may, Thủy sản… do ảnh hưởng từ gián đoạn do dịch bệnh ở Ấn độ, Myanmar.
Đồng thời, cân nhắc kỹ trong quyết định giao dịch và chỉ mua khi các cổ phiếu dời về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn. Thận trọng khi giao dịch phái sinh, giữ số vị thế mở ở mức vừa phải.