13:41 27/10/2023

Kiện toàn đội ngũ thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá trước ngày 01/7/2025

Ánh Tuyết

Luật Giá sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024, nhiều nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ đặt ra trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giá. Trong đó, lưu ý về việc củng cố, kiện toàn đội ngũ thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá và Hội đồng thẩm định giá...

Từ ngày 1/7/2025, điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thay đổi yêu cầu các đơn vị tuân thủ quy định mới.
Từ ngày 1/7/2025, điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thay đổi yêu cầu các đơn vị tuân thủ quy định mới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1250/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giá số 16/2023/QH15. 

Theo kế hoạch, trong năm 2023 và năm 2024 sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nội dung của luật đến các đối tượng bằng các hình thức phù hợp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nội dung của Luật Giá cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thẩm định giá.

NHANH CHÂN ĐÁP ỨNG HÀNG LOẠT ĐIỀU KIỆN MỚI

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với các quy định tại Luật Giá. Đối với những hàng hóa, dịch vụ mới được bổ sung vào danh mục; hàng hóa, dịch vụ có thay đổi thẩm quyền, hình thức định giá cần chủ động trong việc lập phương án giá, thẩm định phương án giá để có căn cứ ban hành các văn bản quyết định giá kịp thời, bảo đảm chất lượng.

Trên cơ sở kết quả thực hiện, các bộ, ngành, địa phương có báo cáo tổng hợp kèm danh mục các văn bản gửi Bộ Tài chính trước ngày 05/5/2024.

Theo kế hoạch, sẽ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá.

Đồng thời, "củng cố, kiện toàn đội ngũ thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá và Hội đồng thẩm định giá để đáp ứng các quy định về hoạt động thẩm định giá tại Luật Giá, nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá và hoạt động thẩm định giá của Nhà nước", kế hoạch nêu rõ.

 

"Rà soát, đánh giá các thẩm định viên về giá đang hành nghề tại các doanh nghiệp thẩm định giá để trên cơ sở đó có kế hoạch tăng cường đào tạo và tổ chức thi cấp thẻ thẩm định viên về giá để bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quy định tại Luật Giá. Bộ Tài chính, các doanh nghiệp thẩm định giá, các cơ sở đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá và các thẩm định viên về giá tổ chức triển khai thực hiện. Hoàn thành trước ngày 01/7/2025".

(Quyết định 1250/QĐ-TTg).

Liên quan đến những điều kiện kinh doanh mới về dịch vụ thẩm định giá, theo lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khi Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2024), điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá cũng có nhiều thay đổi.

Nổi bật là nâng số lượng thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp, bổ sung điều kiện về vốn góp tại doanh nghiệp....

Cùng với đó là điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá cũng có nhiều yêu cầu mới, liên quan đến  thời gian thực tế làm việc về giá.

"Trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá năm 2023, Bộ Tài chính thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá", lãnh đạo Cục Quản lý lưu ý.

Ngoài ra, hiện nhiều vụ án liên quan đến những sai phạm của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên tiếp tay, móc ngoặc với doanh nghiệp để đưa ra những chứng thư thẩm định giá, kết quả thẩm định giá sai lệch, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bảo đảm tuân thủ các quy định.

Cũng tại kế hoạch này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung từ tháng 10/2023 đến ngày 31/12/2025 và các năm tiếp theo, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để đáp ứng yêu cầu khi tham gia Hội đồng thẩm định giá tại các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thẩm định giá nhà nước tại cơ quan đơn vị khi phát sinh.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức đánh giá về nhu cầu thực hiện thẩm định giá Nhà nước tại cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, rà soát năng lực chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị đã được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá Nhà nước.

Trên cơ sở đó chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về thẩm định giá Nhà nước.

Bộ Tài chính chủ động hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng về thẩm định giá Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật.

CẬP NHẬT DỮ LIỆU VỀ GIÁ, CÔNG KHAI NHỮNG VI PHẠM VỀ GIÁ, THẨM ĐỊNH GIÁ

Trong kế hoạch này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát củng cố kiện toàn và chuẩn bị các điều kiện cho việc bảo đảm thực hiện tốt quy định về công khai thông tin về giá, thẩm định giá quy định tại Điều 6 Luật Giá.

Bộ Tài chính chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu Quốc gia về giá nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, cập nhật, công khai thông tin về giá theo quy định hiện hành và quy định tại Luật Giá 2023.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm cập nhật đầy đủ thông tin dữ liệu về giá vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về giá. 

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thẩm định giá; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ rà soát kiện toàn các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị (nếu có) để bảo đảm đáp ứng yêu cầu công khai thông tin về giá; chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc công khai thông tin về giá, thẩm định giá theo đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá.

Đồng thời, "đăng tải công khai thông tin danh sách thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thông tin xử lý vi phạm hành chính về giá, thẩm định giá theo quy định tại Điều 72 Luật Giá", lãnh đạo Chính phủ đề nghị. Thời gian hoàn thành trước ngày 01/7/2024.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; trong thực thi nhiệm vụ công tác quản lý, điều hành giá, thẩm định giá thuộc thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định tại Chương V Luật Giá và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch theo đúng tiến độ.