17:52 15/02/2022

Kiều bào làm cầu nối đưa tinh hoa nông sản Việt ra thế giới

Chu Khôi

Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt ở nước ngoài đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước…

Diễn đàn kết nối Kiều bào diễn ra vào tối 14/02/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Diễn đàn kết nối Kiều bào diễn ra vào tối 14/02/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Chia sẻ với hơn 300 kiều bào làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại “Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, Thúc đẩy Thương mại và Đầu tư ngành Nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết chúng ta cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn, bằng việc kết hợp sự thay đổi trong nước với tâm huyết, khát vọng của bà con kiều bào.

Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào tối 14/02/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp với tuyến.

ĐƯA NÔNG SẢN VIỆT ĐI KHẮP BỐN PHƯƠNG

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đây là diễn đàn đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức để kết nối với kiều bào ngay sau Tết Nhâm Dần.

Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng, giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.

Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Moscow, Đồng Xuân ở Berlin, Sapa ở Séc, ASEAN Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Úc đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương.

Đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức và kinh nghiệm quý báu, đang giúp ngành Nông nghiệp chuyển mình thông qua chia sẻ và đưa nhưng công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp.

 

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Chúng tôi rất mong bà con tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo Chương trình quốc gia Mỗi làng một sản phẩm của Việt Nam; đây là sản phẩm có tiềm năng, có chất lượng và mang đậm nét văn hóa bản sắc của vùng miền nông thôn Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) vui mừng khi được chứng kiến nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế”, ông Hiệu nói.

Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.

NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỂ NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM VƯƠN CAO

TS. Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu nhận định, Việt Nam có nguồn nông lâm sản phong phú, đa dạng, có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu vào các nước châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp trong nước ngoài việc bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp của các nước sở tại, cần phải hướng tới chinh phục được thị trường này.

Nhiều kiều bào về nước ăn Tết  đã tham dự trực tiếp Diễn đàn tối 14/02/2022.
Nhiều kiều bào về nước ăn Tết  đã tham dự trực tiếp Diễn đàn tối 14/02/2022.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, pháp luật, văn hóa… Cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu sẽ là nguồn thông tin hết sức quý giá, sẵn sàng cung cấp thông tin xác thực, nhanh chóng cho các doanh nghiệp trong nước, sẵn sàng là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các đơn vị phân phối ở châu Âu.

Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Để giải quyết việc này cần phát huy vai trò tổ chức, Hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn… để trao đổi thông tin.

Hiện, đã có hệ thống trung tâm thương mại ở hầu hết các nước Đông Âu, trong các trung tâm thương mại này có người chủ là người Việt Nam, 80% doanh nghiệp hoạt động trong đó là người Việt, trong khi hàng hóa Việt Nam được bày bán ở đây chỉ chiếm 10-15%, đây là lợi thế rất lớn mà các doanh nghiệp cần tận dụng, cải thiện.

 

"Về phía các cơ quan quản lý, nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và doanh nghiệp có thể truy cập để trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ".

TS. Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu.

Ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển nêu vấn đề: “Hiện nay sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam đang gặp phải khó khăn tại thị trường Bắc Âu do chưa đủ tiêu chuẩn về những hóa chất trong thành phần. Tôi rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương sớm giải quyết vấn đề này”.

Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Thăng Long (công ty chuyên kinh doanh thực phẩm, nhà hàng với 30 cửa hàng trên khắp nước Đức, Đông Âu), cho biết thế mạnh của chúng ta là có cộng đồng hơn 220.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Cộng hòa Liên bang Đức.

“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, tại thị trường Đức, tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30%, đây là một cơ hội để hàng Việt Nam sang Đức. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Đức một cách ngắn nhất, tiết kiệm nhất thì phải kết hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, và các doanh nghiệp của người Việt tại Đức là cầu nối, là điểm giao hàng, điểm có thể tiếp cận được thị trường Đức”, ông Long khuyến nghị.

Ông Nguyễn Hoài Daniel, nhà sáng lập kiêm Giám đốc của Sông Cái Distillery, một công ty có sản phẩm chính là các dòng rượu cao cấp, cho biết các nguyên liệu thuần Việt được công ty ưu tiên sử dụng. Đồng thời, công ty đã xây dựng thương hiệu dựa trên cơ sở văn hoá câu chuyện và lịch sử Việt Nam.

"Để có được nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất rượu, phải bắt đầu việc trồng các giống lúa, cây ăn quả các giống bản địa, nên công ty đã mất nhiều thời gian sưu tầm và hợp tác cùng bà con nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc như người H’Mông, Dao Đỏ, Nùng, H’Rê… Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều giống quý đã mất. Vấn đề là khi đã chuyển sang giống công nghệ cao thì chỉ cần qua vài mùa là các hạt giống cũ không?", ông Nguyễn Hoài Daniel băn khoăn.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee đề xuất một số giải pháp. Với lãnh sự quán các nước, nên giao chỉ tiêu cho phòng thương mại ở nước sở tại về việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xúc tiến thương mại nông sản; đồng thời xây dựng các phòng trưng bày về nông sản Việt; liên kết các hội cựu sinh viên, cộng đồng người Việt tại nước sở tại.

Với Hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài, cần xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thường xuyên với các hiệp hội doanh nghiệp trong nước để nắm bắt và tổ chức được các buổi giao thương, nâng cao nhận thức cho cộng đồng người Việt khi sử dụng hàng Việt Nam.

Chia sẻ những kinh nghiệm để đưa nông sản vào thị trường Hoa Kỳ và cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về tiếp cận thị trường này, bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS US LLC - Hoa Kỳ, nhận định: “Việc Trung Quốc đang dần bị loại ra khỏi thị trường Hoa Kỳ là cơ hội lớn cho Việt Nam do sức mua của thị trường Hoa Kỳ đang rất lớn, giá cả đang có xu hướng tăng. Ngoài ra nhu cầu và tập quán tiêu dùng đa dạng, môi trường và chính sách rất thuận lợi”.

Bà Jolie Nguyễn cũng cảnh báo, Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan, Đài Loan, Mexico… Thị trường nông sản của Hoa Kỳ cũng rất mạnh dù chỉ có 17% người dân làm nông nghiệp. Nền nông nghiệp Hoa Kỳ được áp dụng công nghệ cao, cải tiến làm giảm số lượng lao động trực tiếp nhưng tăng chất lượng và sản lượng.

Cho rằng các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ luật tiểu bang, liên bang và các quy định riêng của ngành tại thị trường Hoa Kỳ. Trước khi bước vào thị trường mới, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, đặc biệt thị trường ngách, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường để ổn định.

 
 
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Những kiều bào ở khắp nơi trên thế giới là những người hiểu biết tường tận văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, tiêu chuẩn của những nước sở tại. Chúng ta phải bán những thứ thế giới cần chứ không phải bán những thứ chúng ta có. Và thế giới cần những gì, như thế nào, những con người của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ không thể biết nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng kiều bào khắp nơi trên thế giới.

Tôi có nỗi đau đáu khi nông sản Việt vẫn cứ phải vật lộn trên thị trường quốc tế trong khi những sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel “đàng hoàng, chễm chệ” trên quầy siêu thị trên thế giới.

Tôi mong muốn rằng bà con Việt kiều cho dù đang ở đâu trên thế giới cũng mang tâm thức chúng ta là con một nhà. Một khi chúng ta có được tâm thế, cảm xúc đó, không gì là chúng ta không vượt qua được. Tình yêu nước đơn giản lắm. Việc bà con kiều bào đem ý tưởng từ những nước tinh hoa, những nước đã có nền nông nghiệp hiện đại về Việt Nam, cho dù chỉ là một sáng kiến nhỏ, cũng thể hiện lòng yêu nước rồi.

Chúng ta cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn; cần nhanh chóng tích hợp những ý kiến tâm huyết của cộng đồng kiều bào tại diễn đàn; đồng thời cần phải có những tư duy mới của những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bằng việc kết hợp sự thay đổi trong nước với tâm huyết, khát vọng của bà con kiều bào.